ĐBQH PHẠM TẤT THẮNG: LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC GỠ NÚT THẮT TRONG TỰ CHỦ

28/11/2018

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV với 4 nội dung chính liên quan đến mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; đổi mới quản trị đại học; đổi mới quản lý đại học; đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện thực hiện tự chủ đại học... được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ sở vững chắc đáp ứng nhu cầu đào tạo bậc đại học trong tình hình mới.

Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV với 408 đại biểu tán thành, chiếm 84,12% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã sửa đổi, bổ sung 37 Điều của Luật Giáo dục đại học, bao quát hầu hết các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật Giáo dục đại học năm 2012. Trong đó, đáng chú ý nhất là quy định của Luật đã mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa nội lực trong thực hiện tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2019.

Theo ý kiến của đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã gỡ được nút thắt trong thực hiện tự chủ đại học hiện nay.

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học. Trong đó, một trong những nội dung được nhiều đại biểu cũng như cử tri quan tâm đó là quy định về tự chủ đại học. Vậy qua quá trình nghiên cứu cũng như thẩm tra dự án luật, đại biểu nhận định như thế nào về quy định này?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Luật Giáo dục đại học hiện hành được thông qua năm 2012 tại Quốc hội khóa XIII. Có thể thấy, "vòng đời" của 1 dự án Luật là 5 năm chưa phải là dài nhưng tại sao phải đặt vấn đề sửa đổi Luật Giáo dục đại học ở thời điểm này bởi một trong những nội dung bất cập của Luật là quy định về tự chủ đại học. Trong Luật Giáo dục hiện hành đã quy định về tự chủ đại học, về cơ chế tự chủ, tuy nhiên thời điểm đó, lần đầu tiên chúng ta xây dựng Luật Giáo dục đại học cho nên khái niệm "tự chủ đại học" mặc dù đã được xác định là một thuộc tính của các cơ sở giáo dục đại học nhưng các quy định trong Luật vẫn chưa cụ thể và chưa khả thi. Vì vậy, nội dung "tự chủ" mặc dù rất là quan trọng, cần thiết nhưng chưa được vận hành một cách triệt để trong thực tế. Do đó, nội dung tự chủ đại học cùng với những quy định sửa đổi để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập phát triển là một trong những nội dung trọng tâm trong việc sửa đổi Luật lần này. Quy định về "tự chủ đại học" tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học lần này đã được cụ thể hóa nhằm tháo gỡ nút thắt trong tự chủ và tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ sở giáo dục đại học phát triển.

Phóng viên: Thưa đại biểu, việc giao cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ có phải là một yếu tố quan trọng để các trường nâng cao chất lượng đào tạo hay không?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Một trong những mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật lần này, là nâng cao hiệu quả hoạt động và tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Tự chủ được tập trung vào 3 nội dung chính là: giao cho các trường quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự; giao cho các trường quyền tự chủ về chuyên môn và tự chủ về mặt tài chính, tài sản. Việc giao tự chủ như vậy đã tạo ra hành lang pháp lý rộng rãi cho các trường trong thực hiện quyền tự chủ.

Tôi cũng đánh giá cao cơ quan quản lý nhà nước đã cùng với cơ quan thẩm tra thay đổi phương thức, thay đổi nhận thức về mặt quản lý: từ cầm tay chỉ việc, từ quản lý hành chính một cách cụ thể, chặt chẽ thì cơ quan quản lý đã mạnh dạn đưa vào trong Luật để giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Còn 1 yếu tố nữa cần lưu ý là các trường sẽ phải đổi mới mạnh mẽ hơn, phải đón nhận Luật và triển khai hiệu quả thông qua việc quản lý của bộ máy lãnh đạo cũng như việc hưởng ứng của đội ngũ cán bộ giảng viên. Bên cạnh đó, sắp tới chúng ta cũng cần phải quan tâm đến việc đồng bộ của hệ thống pháp luật. Để cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học triển khai một cách triệt để, trọn vẹn thì một số luật liên quan sẽ phải tiếp tục sửa đổi.

Phóng viên: Thưa đại biểu, một vấn đề đặt ra là khi giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục đại học thì dịch vụ, chất lượng đào tạo được nâng lên, đồng nghĩa với đó là việc tăng học phí. Đại biểu có chia sẻ gì về vấn đề này?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học đã thông qua và cho phép các cơ sở giáo dục đại học tự chủ hoàn toàn về kinh phí chi thường xuyên thì được tự quyết định mức học phí. Như vậy, khi các trường tự quyết định mức học phí thì nguy cơ tăng học phí chắc là sẽ tăng lên bởi đấy là thuộc quyền tự chủ của các trường. Nhưng ở đây chúng ta cũng quan tâm tới việc nhà nước tạo cơ hội học tập cho sinh viên. Ví dụ: Chính sách tín dụng sinh viên dể tạo điều kiện cho những sinh viên gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thể vay vốn tín đụng để học tập; với những sinh viên là con em gia đình chính sách hoặc địa bàn khó khăn nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ để theo học đại học.

Tôi không lo ngại về mức học phí tăng nhiều vì hệ thống giáo dục đại học của chúng ta với 235 cơ sở giáo dục công lập và tư thục. Bản thân các trường đại học cũng phải cạnh tranh trong quá trình tuyển sinh, đào tạo; các trường sẽ phải cân nhắc mức học phí phù hợp vì chất lượng và dịch vụ phải tương xứng với mức học phí. Vì vậy, nếu tăng học phí mà không tăng chất lượng đào tạo thì người học sẽ không lựa chọn. Vấn đề học phí sẽ có mặt bằng học phí chung được xã hội chấp nhận.

Phóng viên: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã quy định đầy đủ cơ sở pháp lý để các trường thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, khi Luật có hiệu lực để các trường đại học triển khai hiệu quả cơ chế tự chủ, theo ý kiến của đại biểu cần có những giải pháp đồng bộ nào?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Muốn thực hiện cơ chế tự chủ thành công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được triển khai sâu rộng trong thực tiễn, chúng ta phải tháo gỡ mấy nút thắt như sau:

Thứ nhất, về mặt thể chế, Chính phủ phải sớm ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. Bên cạnh đó, để thực hiện tự chủ thành công Chính phủ phải đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật khác có liên quan cho đồng bộ.

Thứ hai, liên quan đến quản lý, cơ quan quản lý phải đổi mới mạnh mẽ cách thức quản lý giao quyền tự chủ cho cơ sở đại học mặt khác các cơ sở giáo dục cũng phải chủ động để thực hiện tốt quyền tự chủ của mình.

Thứ ba, liên quan đặc biệt đến các trường công lập được cấp ngân sách, các trường sẽ phải lo kinh phí chi thường xuyên, nhà nước sẽ cấp kinh phí thông qua phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Vì vậy, để được giao nhiệm vụ, được đặt hàng thì các cơ sở giáo dục đại học cũng phải đổi mới và tự khẳng định uy tín của đơn vị đào tạo. Bản thân các trường trong nội bộ phương thức quản trị phải đổi mới để phát huy tối đa được nguồn lực trong nhà trường và nguồn lực ngoài nhà trường; đội ngũ cán bộ giảng viên cũng phải thay đổi suy nghĩ thói quen, thích ứng mạnh mẽ với tư duy tự khẳng định vị thế, chất lượng đào tạo của nhà trường để thu hút nguồn lực đầu tư bên ngoài, thu hút sinh viên, ....

Phóng viên: Thưa đại biểu, tới đây trong việc triển khai thực hiện tự chủ thì vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những thay đổi như thế nào?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Lần sửa đổi này chúng ta đã thay đổi tư duy trong phương thức từ quản lý theo cách cầm tay chỉ việc, xin - cho cho từng nhiệm vụ, từng hoạt động cụ thể... thì giờ đây Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò quản lý nhà nước sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện tự chủ của các trường và tiến hành hậu kiểm để điều chỉnh phù hợp. Với vai trò quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy hoạch mạng lưới, tổ chức đánh giá kiểm định từ đó quyết định giao thực hiện tự chủ theo lộ trình nhất định cho các trường đại học.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh