Qua những vụ việc, vụ án nghiêm trọng được đưa ra xét xử, xử lý nghiêm minh được xã hội và nhân dân quan tâm đồng tình ủng hộ đã cho thấy tình hình tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, đẩy lùi. Tuy nhiên, các đại biểu vẫn mong muốn các cơ quan chức năng làm tốt hơn nữa công tác này để giải quyết được những bất cập trong thực tế.
Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận một số ý kiến của các Đại biểu Quốc hội về những khía cạnh khác nhau xung quanh vấn đề này.
Đại biểu Trần Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc
Đại biểu Trần Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: Có thể nhận thấy công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua đã thu được nhiều thành tựu đáng kể nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung tại những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn nghiệm trọng. Việc ngăn chặn những tình trạng nhũng nhiễu các doanh nghiệp và người dân trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như ý tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng…
Đại biểu Nguyễn Thái Học, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên
Đại biểu Nguyễn Thái Học, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên: Tôi cho rằng, khi người dân đã phấn khởi tin vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thì công tác này sẽ lan tỏa sâu rộng và nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Và khi người dân có lòng tin thì chúng ta sẽ có tất cả.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: Muốn phòng ngừa tham nhũng cần xây dựng phẩm chất đạo đức con người cán bộ là quan trọng hàng đầu. Làm nhiều luật sửa nhiều luật cũng nhằm mục đích góp phần ngăn chặn tham nhũng. Chính vì vậy, cần tập trung xây dựng đạo đức phẩm chất cán bộ đi đôi với việc tăng nặng hình phạt cho những hành vi tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề tham nhũng và đối tượng tham nhũng không thu hồi được tài sản. Đây là yếu tố tồn đọng do quá trình phát triển của lịch sử đặc biệt trong quy định phòng chống tham nhũng kiểm soát chưa chặt chẽ tài sản cá nhân. Chính vì vậy cần kiểm soát tài sản cá nhân, kê khai tài sản cụ thể minh bạch, tài sản phải được kiểm soát và chứng minh. Trong trường hợp không chứng minh được tài sản cần có nhưng giải pháp xác minh cụ thể.
Thu hồi tài sản tham nhũng có tác dụng làm triệt tiêu động cơ kinh tế của tội phạm tham nhũng, qua đó ngăn chặn, đầy lùi tình trạng tham nhũng làm trong sạch bộ máy nhà nước tạo dựng niềm tin của nhân dân. Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo được cơ sở pháp lý phù hợp với thực tế là công cụ sắc bén trong công cuộc phòng chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.