CẦN QUY ĐỊNH RÕ NHỮNG "SỰ KIỆN TRỌNG ĐẠI CỦA ĐẤT NƯỚC"

07/11/2018

Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Các đại biểu tập trung cho ý kiến về thời điểm đặc xá, về đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, và điều kiện được đề nghị đặc xá…

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật của Chính phủ trình đã kế thừa luật đặc xá hiện hành, quy định 3 thời điểm đặc xá gồm: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Các đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo luật sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào? Quy định cụ thể khoảng cách thời gian đặc xá, thời điểm đặc xá phù hợp đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra, đảm bảo đúng sự khoan hồng nhưng nghiêm minh của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đồng tình việc sửa đổi luật là cần thiết đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi: Với tính chất là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, qua thực tế Luật Đặc xá hiện nay cho thấy thời điểm các lần đặc xá thường rơi vào các ngày lễ lớn, với số lượng người đặc xá rất lớn. Ngoài ra theo quy định của Luật Hình sự thì Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao xem xét ra tù trước thời hạn có điều kiện tại Điều 66 Luật Hình sự. Tôi đề nghị không quy định những lần đặc xá vào các ngày lễ lớn chỉ nên tập trung vào sự kiện trọng đại của đất nước, đồng thời nên quy định có khoảng cách thời gian cho các lần đặc xá, có thể tối thiểu là 3 năm giữa 2 lần đặc xá.

Đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa: Trong một số Điều của dự thảo Luật Đặc xá, có xuất hiện cụm từ khá dài nêu 6 chủ thể có thẩm quyền lập hồ sơ đặc xá là giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng công an thi hành án hình sự cấp tỉnh, Thủ trưởng công an thi hành án hình sự cấp quân khu, Chánh án Tòa án cấp tỉnh và Chánh án tòa án cấp quân khu. Đây là sáu chủ thể được lặp lại rất nhiều trong Bộ luật. Tôi đề nghị bổ sung thêm 1 khoản vào Điều 3 về giải thích từ ngữ cho cụm chủ thể này nhằm giúp cho Bộ Luật ngắn gọn súc tích hơn.

Đại biểu Nguyễn Văn Pha, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định

Đại biểu Nguyễn Văn Pha, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: Về vấn đề quy đinh 3 thời điểm đặc xá, qua tổng kết 10 năm thực hiện, việc quy đinh 3 thời điểm đặc xá không hề có bất cứ vướng mắc và được thực hiện rất tốt trong thực tiễn. Nếu quy định cụ thể tần suất sẽ dấn đến sự cứng nhắc hạn chế quyền của Chủ tịch nước. Về đối tượng đề nghị được đặc xá, về cơ bản luật hiện hành đã quy định, trong Luật Đặc xá đã quy đinh cụ thể và làm rõ hơn về đối tượng này nhằm đảm bảo tính minh bạch.

Đặc xá là sự đặc biệt khoan hồng của Nhà nước, do đó các quy định của Bộ Luật Đặc xá phải có sự khác biệt cơ bản đối với các chính sách khoan hồng hiện hành. Tính chất đặc biệt này được thể hiện trong nhiều nội dung như thẩm quyển hay thời điểm, trình tự thủ tục, đối tượng đặc xá… Kế thừa các quy định của Luật Đặc xá, tôi cho rằng Luật Đặc xá sửa đổi sau khi được thông qua tại kỳ họp này sẽ phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đề ra./. 

Mai Trang