Tại báo cáo thẩm tra do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày trước Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 cho thấy: Về cơ bản, nhiều nội dung về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Chương trình hành động về hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã được Chính phủ ban hành. Việc ban hành các nghị định, quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của một số Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đề án tổng thể sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 đang được triển khai.....
Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới chất lượng và vị trí việc làm. Số đầu mối không tăng nhưng chưa được sắp xếp tinh gọn. Chưa ban hành tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Một số nội dung trong báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ hoặc không đánh giá việc thực hiện các nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội như: việc ban hành văn bản về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành; việc rà soát, chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công thuộc ngành lĩnh vực nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm; việc rà soát, sắp xếp lại các tổ chức phối hợp liên ngành, ban quản lý dự án...
Trao đổi với phóng viên bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được nêu ra tại Nghị quyết TW6 của Đảng và Nghị quyết 56 của Quốc hội là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của cử tri cả nước. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện và triển khai trong thực tế thời gian qua ở các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và nhiều nơi còn lúng túng. Để việc sắp xếp, tinh giản bộ máy được hiệu quả cần lưu ý giải quyết chính sách, chế độ thỏa đáng và ổn định tâm lý của cán bộ bị dôi dư trong sắp xếp lại bộ máy.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu đánh giá như thế nào về việc thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thời gian qua?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và bước đầu có những kết quả tích cực trong việc thực hiện tinh giảm biên chế. Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ, việc tinh giản đạt theo tỷ lệ là 10% năm. Tuy nhiên, phải nói là tinh giản của chúng ta trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể: chủ yếu vẫn là tinh giản những người chuẩn bị nghỉ hưu, đặc biệt là nghỉ hưu trước tuổi, người hưởng chính sách nghỉ việc. Tại Nghị định 108 của Chính phủ quy định tinh giản biên chế đối với đối tượng không hoàn thành nhiệm vụ nhưng trên thực tế, tôi cho rằng quy định này chưa được thực hiện tốt. Có những đối tượng, dư luận cho là “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, trong công việc không làm hết trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, không giảm được biên chế đối với đối tượng này.
Tôi cho rằng, những bất cập, hạn chế còn tồn tại cần phải sửa đổi, khắc phục kịp thời trong thời gian tới. Đối với, Nghị định 102 đã có cơ chế thông thoáng hơn trong thực hiện giao quyền tự chủ cho Hội dồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tổ chức thực hiện tinh giản biên chế của bộ máy hành chính nhà nước cũng như trong đơn vị sự nghiệp công lập để đến năm 2021 theo chỉ tiêu thì hàng năm chúng ta phải giảm 10%/năm.
Phóng viên: Hiện nay đã có nhiền văn bản chỉ đạo, tuy nhiên chuyển biến trong thời gian qua cho thấy bộ máy hành chính vẫn còn cồng kềnh, nhiều nấc trung gian, số người giảm chưa nhiều. Theo đại biểu, nguyên nhân nào lại khó giảm biên chế ở khối hành chính như vậy?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Trong thời gian qua chúng ta tiến hành tinh giản biên chế không chỉ trong khối hành chính mà cả khối đơn vị sự nghiệp. Tinh giản biên chế liên quan đến chế độ chính sách, liên quan đến con người. Thực tế, muốn cho nghỉ việc, muốn tinh giản cần phải có lý do chính đáng, phù hợp với thực tiễn và với quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp, nếu cán bộ công chức viên chức tự nguyện, tự giác xin nghỉ thì thuận lợi, ngược lại đối với trường hợp cán bộ công chức, viên chức không muốn nghỉ việc, không tự nguyện thì cần phải có lý do chính đáng, không được vi phạm với Luật cán bộ công chức, viên chức.
Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu có cho rằng việc sớm sắp xếp biên chế theo vị trí việc làm sẽ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ và không tăng biên chế hay không?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi nghĩ rằng năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt lại biên chế trong đó việc thực hiện vị trí việc làm là vô cùng quan trọng trong điều kiện hiện nay. Thực ra, trong những năm qua cũng đã bước đầu thực hiện theo vị trí việc làm. Cụ thể, Đồng Tháp đã thực hiện thi tuyển theo vị trí việc làm. Địa phương đã tiến hành tuyển dụng cán bộ công chức theo vị trí việc làm từng chức danh với tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Cho nên, tôi nghĩ rằng vấn đề sắp xếp bộ máy của Bộ Nội vụ và được Chính phủ phê duyệt sắp tới đây với từng vị trí việc làm cụ thể, hy vọng rằng chúng ta sẽ tinh giản được bộ máy. Trong quá trình triển khai nếu cán bộ công chức viên chức nào không đáp ứng được theo tuân chuẩn của vị trí việc làm phải rời vị trí hiện tại chuyển sang làm công việc khác hoặc không đáp ứng nhu cầu thì nghỉ việc theo quy định hiện hành.
Phóng viên: Phải nói rằng Nghị quyết số 56 của Quốc hội nêu rất cụ thể, rõ ràng các nhiệm vụ cũng như nhóm giải pháp. Theo ý kiến của đại biểu, điều khó khăn, vướng mắc hiện nay khi thực hiện tinh giản biên chế là gì?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Vấn đề tổ chức triển khai thực hiện tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế tới đây là vô cùng quan trọng đặc biệt là việc sắp xếp lại cụ thể theo vị trí việc làm của từng cán bộ công chức. Muốn thực thi được nhiệm vụ này, theo tôi phải ổn định tư tưởng mỗi cán bộ công chức, viên chức. Đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng để cán bộ công chức đều hiểu thông suốt ý nghĩa của việc tinh giản. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện phải đồng bộ và thực hiện đúng quy định, tránh để lại hệ lụy trong sắp xếp lại bộ máy nhà nước. Vấn đề đáng lưu ý ở đây, là giải quyết chính sách, chế độ; ổn định tâm lý cho cán bộ công chức bị dôi dư ra do sắp xếp là vô cùng quan trọng để sắp tới việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy đạt hiệu quả cao.
Trong Nghị quyết số 56 của Quốc hội đưa ra rất nhiều nội dung trong đó có đưa ra các giải pháp cần phải tổ chức thực hiện. Từng nhóm giải pháp trong Nghị quyết đã nêu rất cụ thể, rõ ràng như: tinh giản bộ máy theo Nghị quyết từ đây đến năm 2021 là đảm bảo 10%; sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn hiệu quả, hoạt động có chất lượng; các cơ quan, phòng ban, sở, ngành nếu có trùng lặp chức năng thì xem xét thí điểm để hợp nhất; xem xét lại những huyện, xã mà không đạt 2 tiêu chí về dân số và diện tích thì cũng phải xem xét hợp nhất lại. Đây là những vấn đề cốt lõi Nghị quyết của Quốc hội đã nêu ra, Chỉnh phủ cần thực hiện để Nghị quyết đi vào được cuộc sống./.