Trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Chính phủ đã có Tờ trình số 373/TTr-CP đề nghị Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Hiệp định CPTPP gồm 07 Điều và 01 phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đã được 12 nước ký ngày 06/02/2016 tại New Zealand cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập Hiệp định CPTPP.
Theo đó, về cơ bản Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ gồm 11 nghĩa vụ liên quan đến chương sở hữu trí tuệ, chương mua sắm của Chính phủ, chương quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng. Để bảo đảm cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP. Trao đổi với phóng viên bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Hiệp định CPTPP đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Nếu có chủ động và có chiến lược cụ thể chúng ta sẽ vượt qua thách thức để hội nhập thành công.
Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP?
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng: Trước hết phải nói đây là Hiệp định nối tiếp các nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP) đã được chúng ta về cơ bản nhất trí về mặt kỹ thuật vào năm 2016. Do chính sách thương mại của Mỹ, Mỹ đã rút ra khỏi TPP vì vậy phải hình thành 1 Hiệp định mới trên nền của TPP. Chúng ta cũng vui mừng là ngày 11/11/2017 tại Đà Nẵng, khi dự hội nghị APEC, các nguyên thủ quốc gia của 11 nước đã thống nhất cùng nhau làm sống lại hiệp dịnh TPP ở 1 thể mới và như vậy chúng ta thấy rằng, về mặt quan hệ quốc tế chúng ta luôn khẳng định với quốc tế chúng ta là 1 đối tác tin cậy và nhất quán trong quan hệ quốc tế, trong việc thực hiện các đàm phán và cam kết của Việt Nam trên thế giới. Về nội dung của Hiệp định CPTPP thì đây là 1 hiệp định thương mại thế hệ mới bao trùm tất cả các lĩnh vực từ mở cửa thị trường, trao đổi dịch vụ cho đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, lao động môi trường, …. nhưng vẫn đảm bảo, tôn trọng chủ quyền quốc gia. Như vậy, đây là 1 trong những Hiệp định tương đối phổ quát và tương đối rộng đồng thời là xu hướng tất yếu trong đàm phán thương mại quốc tế. Nếu thông qua phê chuẩn Hiệp định này, có thể nói là đã mở ra thêm 1 cánh cửa, 1 thị trường mới ở khu vực Châu Mỹ Latinh cho hàng hóa của Việt Nam. Đối với 4 nước như Ôxtrâylia, Nhật Bản, Malaysia, Singapo, là những bạn hàng truyền thống của chúng ta từ trước đến nay nhưng với thị trường Châu Mỹ chúng ta rất hạn chế, thì Hiệp định này mở ra 1 chương mới cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường của các nước Châu Mỹ Latinh. Đây là thị trường có nhiều nội dung tương đồng với Việt Nam, có nhiều đòi hỏi không khắt khe như thị trường Nhật và thị trường Mỹ nhưng nó lại phù hợp với khả năng của rất nhiều mặt hàng của Việt Nam có thể cạnh tranh tốt. So với lợi ích về mặt tăng trưởng GDP, về tăng trưởng xuất khẩu, sở hữu trí tuệ thì nếu có Mỹ tham gia vào chúng ta được hưởng lợi nhiều hơn nhưng không có Mỹ tham gia thì thị phần của thị trường co lại, lợi ích, lợi nhuận đem lại cũng giảm hơn thì đấy cũng là chuyện chấp nhận được. Ở đây, chúng ta phải thấy là việc ký kết CPTPP đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam nhiều thách thức chúng ta phải vượt qua mới hội nhập thành công.
Phóng viên: Thưa đại biểu, vậy những thách thức cụ thể ở đây là gì khi chúng ta tham gia Hiệp định CPTPP?
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng: Đối với thách thức về kinh tế, chúng ta thấy là nếu so sánh 18 mặt hàng sản xuất, ngành hàng và lĩnh vực công nghiệp cũng như là nông nghiệp mà chúng ta đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế thì trong lĩnh vực chăn nuôi, thức ăn gia súc và bảo hiểm chúng ta sẽ gặp khó khăn rất lớn khi tham gia vào Hiệp định này. Nhưng ngược lại những mặt hàng, ngành hàng sử dụng nhiều lao động, đòi hỏi vốn đầu tư không cao, công nghệ chúng ta có thể tiếp cận được ngay như là dệt may, da giày thì Việt Nam lại có rất nhiều lợi thế. Vì thế, gây 1 áp lực mạnh mẽ đòi hỏi chúng ta phải thực hiện tốt 3 đột phá mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã đề ra và Đại hội lần thứ 12 tiếp tục đó là về nguồn nhân lực, cải cách thể chế,.. Về nguồn nhân lực, phải đào tạo lại cho phù hợp với thị trưởng mở hoàn toàn đồng thồi đòi hỏi thay đổi thể chế quản trị nhà nước và quản trị doanh nghiệp, tạo độ thông thoáng.
Hiện nay theo đánh giá của các tổ chức quốc tế độ minh bạch trong mở cửa của chúng ta so với trước khi chúng ta có Hiến pháp 2013 đã tăng gấp 3 lần về độ mở cửa và độ thông thoáng của thị trường, tạo điều kiện cho hội nhập thị trường. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy rằng, từ năm 2014 đến nay trên nền các thỏa thuận, đàm phán về TPP và hiện nay là CPTPP thì chúng ta đã xây dựng nhiều luật như: Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Đây là hai luật tương đối rõ nét, chúng ta đã bám lấy những cam kết trong TPP và CPTPP để điều chỉnh luật. Vì thế cho nên với 1 Hiệp định thương mại thế hệ mới mà chúng ta chỉ phải sửa một số điều của 7 luật có liên quan. Như vậy có thể thấy, khả năng về xây dựng thể chế của chúng ta đang tiếp cận dần tới kinh tế quốc tế.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!