Mặc dù không còn Hoa Kỳ, nhưng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vẫn được coi là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Hiệp định này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan tới thương mại, mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ và Nhà nước. Việc tham gia Hiệp định CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam, đặc biệt giúp Việt Nam có được những lợi ích lâu dài, giúp đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch. Hơn nữa, khi là thành viên tham gia từ đầu, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo đảm lợi ích của mình. Tuy nhiên, để tận dụng được những lợi ích lớn mà Hiệp định này đem lại cũng sẽ là một thách thức lớn đối với các Doanh nghiệp Việt Nam. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa đại biểu, các Doanh nghiệp Việt Nam cần có những lưu ý gì để tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đem lại khi được phê chuẩn?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Việc Việt Nam là 1 trong 6 nước đầu tiên ký kết phê chuẩn hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mang tới vinh dự cho Việt Nam, và đặc biệt thỏa đáng công sức của chúng ta khi Việt Nam là người thành viên sáng kiến gia nhập CPTPP với 11 thành viên sau TPP-12. Chúng ta cũng phải khẳng định việc tham gia Hiệp định CPTPP sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn là hạn chế. Tuy nhiên, để tận dụng những lợi thế đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải lưu tâm một số những thách thức. Thứ nhất, về mặt kinh tế, giảm lợi siêu về xuất - nhập khẩu sẽ đi kèm với tăng nhập khẩu nguyên vật liệu ở một số mặt hàng. Ví dụ, đối với ngành may mặc, đa số nguyên vật liệu chúng ta nhập khẩu từ những nước không tham gia Hiệp định CPTPP. Thứ hai, trong quá trình triển khai hiệp định hợp tác, chúng ta không được lợi nhiều về thuế suất ưu đãi về xuất và nhập khẩu đối với các nước thành viên.
Tiếp đến về vấn đề cạnh tranh, tham gia Hiệp định sẽ làm tăng năng suất lao động và tăng giá trị hàng hóa, nhưng lại đòi hỏi phải tăng tỉ lệ đầu tư cho khoa học - công nghệ. Chúng ta cũng biết, đối với các doanh nghiệp nhỏ không có khả năng đầu tư vào khoa học - công nghệ - kỹ thuật, sẽ dẫn đến khả năng bị phá sản và người lao động sẽ mất việc làm. Đây là một số vấn đề các Doanh nghiệp cần đề phòng để giúp tận dụng được lợi thế của mình trong quá trình triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đồng thời các doanh nghiệp cũng phải đồng hành với Nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, và tăng cường công tác bảo vệ an ninh thông tin mạng. Ngoài ra, cũng cần tăng cường quan hệ ngoại giao đối với các nước, doanh nghiệp trong khối CPTPP. Tiếp đó, các doanh nghiệp cần tích cực với Nhà nước làm tăng nguồn thu ngân sách.
Phóng viên: Một trong những thách thức của việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có liên quan tới hoạt động của các tổ chức công đoàn của Việt Nam. Xin Đại biểu chia sẻ rõ hơn về thách thức này? Công đoàn Việt Nam sẽ phải đổi mới như thế nào để làm tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Như tôi đã nói, đứng trước những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối diện. Tôi khẳng định những thách thức đó là không nhiều, vì trong 10 nước gia nhập Hiệp định CPTPP, có tới 7 nước chúng ta đã ký kết Hiệp định thương mại tự do. Đối với 3 nước còn lại, cơ cấu xuất nhập khẩu không mang tính cạnh tranh, mà mang tính bổ sung nên tính chất cạnh tranh không nhiều. Thách thức liên quan tới tổ chức công đoàn là vấn đề Nhà nước cần quan tâm, sửa đổi hệ thống chính sách để thành lập các tổ chức người lao động ở cơ sở. Thứ hai, cần phải có sự quản lý đào tạo, tạo điều kiện cho hoạt động này của các doanh nghiệp diễn ra theo đúng pháp luật Việt Nam, phù hợp với nguyên tắc quyền bình đằng trong lao động của các nước thành viên CPTPP và phù họp với pháp luật Việt Nam cũng như điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!