HIỆP ĐỊNH CPTPP GIÚP VIỆT NAM CÓ NHIỀU CƠ HỘI

05/11/2018

Trong tuần làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, một trong những nội dung dư luận đặc biệt quan tâm là Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu

Bên hành lang Quốc hội, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Việc tham gia Hiệp định này giúp Việt Nam có nhiều cơ hội, nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận ý kiến của một số đại biểu.

Đại biểu Lê Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Lê Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Trong 10 nước tham gia Hiệp định, Việt Nam đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 7 quốc gia. Việc ký CPTPP sẽ giúp Việt Nam có thêm quan hệ với 3 quốc gia khác. Khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP thì sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì Việt Nam có thêm những thị trường mới. Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút được nhiều nhà đầu tư tốt hơn. Việt Nam cũng sẽ ra nhập mạnh hơn, sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chính vì vậy mà việc làm cũng nhiều hơn, chất lượng việc làm cũng sẽ tốt hơn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: So với Hiệp định TPP, Hiệp định CPTPP có nhiều điều khoản phù hợp với Việt Nam hơn. Sức ép của CPTPP nhẹ nhàng hơn so với TPP khi chúng ta thực hiện thỏa thuận vì các nước thành viên có những thỏa thuận riêng để có thể tạm hoãn chậm thời gian thực hiện cam kết và tạo ra ràng buộc linh hoạt hơn. Dù có những chính sách tạm hoãn linh hoạt, song đây cũng là thời điểm cần thiết để chúng ta tiếp tục điều chỉnh những điều kiện trong nước chưa phù hợp về thể chế, luật pháp, đổi mới công nghệ,năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để phù hợp với CPTPP.

Đại biểu Phùng Đức Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

Đại biểu Phùng Đức Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: Khi tham gia Hiệp định CPTPP, thị phần, thị trường của Việt Nam sẽ rộng lớn hơn. Nông sản Việt Nam sẽ được phát huy hơn và giá trị gia tăng sẽ cao hơn. Nhiều loại mặt hàng sẽ được xuất khẩu hơn. Tuy nhiên, xét cho đến cùng, nông nghiệp Việt Nam vẫn đang ở mức độ nhỏ lẻ cho nên vẫn phải tái cơ cấu một cách quyết liệt. Đặc biệt để giá trị nông sản nâng cao hơn nữa, nông sản của Việt Nam hội nhập được thì áp dụng khoa học công nghệ với nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề cấp bách. Bên cạnh đó, hạ tầng chế biến, kho bãi và trình độ công nghiệp chế biến của Việt Nam còn có những hạn chế nhất định. Do vậy, để phát huy tối đa lợi thế nông sản thì chúng ta phải tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách bền vững.

Lê Phương