ĐBQH NGÔ THỊ MINH - QUẢNG NINH: GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG CHUNG CƯ XUỐNG CẤP QUÁ NHANH?

18/09/2018

Ngày 29/6/2018, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh về các bất cập xung quanh tình trạng chung cư trên địa bàn Hà Nội đang xuống cấp quá nhanh.

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV
 
Nội dung chất vấn của Đại biểu như sau:
 
Cử tri băn khoăn về tình trạng nhiều tòa chung cư trên địa bàn Hà Nội bị xuống cấp quá nhanh; việc quản lý nhà chung cư còn khá nhiều vấn đề bất cập (có việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí bảo trì, bảo dưỡng). Đặc biệt tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu chung cư khi nguồn nước không đảm bảo; chất lượng các bể phốt kém ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, trong đó có trẻ em. Với trách nhiệm của Bộ trưởng, trong quá trình phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, đề nghị Bộ trưởng đánh giá thực trạng về những bất cấp mà cử tri phản ánh và các giải pháp khắc phục mà Bộ trưởng sẽ chỉ đạo, trong đó có tòa chung cư 165B Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội?
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời như sau:
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn

1. Trong những năm vừa qua, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo và phối hợp với chính quyền các địa phương thự chiện nhiều giải pháp để tăng cường quản lý chất lượng công trình xây dựng, cũng như công tác bảo trì, vận hành nhà chung cư với mục tiêu đảm bảo môi trường sống, an toàn, vệ sinh cho người dân. Tuy nhiên, qua kiểm tra, khảo sát tại các địa phương, trong đó có Thành phố Hà Nội cho thấy trên thực tế có nhiều nhà chung cư chất lượng xây dựng không đảm bảo, xuống cấp nhanh, môi trường sống ô nhiễm, nguồn nước kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh như phản ánh của Đại biểu Quốc hội.

Một số công trình nhà chung cư chất lượng xuống cấp nhanh thường nằm trong hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất là các chung cư cũ được xây dựng trong thời kỳ bao cấp tại miền Bắc hoặc trước giải phóng tại miền Nam. Các khu chung cư cũ này có thời gian sử dụng đã lâu, thậm chí quá niên hạn sử dụng, không có kinh phí để thực hiện bảo trì, sửa chữa, cải tạo công trình cùng với sự buông lỏng quản lý, tự ý đục phá, cơi nới của các hộ dân, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng về chất lượng, an toàn chịu lực cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường sống, cảnh quan đô thị. Nhóm thứ hai là những chung cư mới được xây dựng trong thời kỳ gần đây, tuy nhiên vẫn có các tồn tại như: nguồn nước không đảm bảo, chất lượng bể phốt kém… ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và hầu hết xảy ra ở một số chung cư giá rẻ được đầu tư bởi các chủ đầu tư còn ít kinh nghiệm đầu tư; năng lực tài chính hạnc hế hoặc ở một số chung cư phục vụ yêu cầu tái định cư được đầu tư bằng ngân sách theo cơ chế đặt hàng, chỉ định. Các chung cư này thường sử dụng vật liệu giá rẻ, chất lượng thấp, quá trình thi công, giám sát xây dựng chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.
 
Việc quản lý sử dụng, vận hành, bảo trì đối với nhà chung cư cũng còn tồn tại, bất cập, cụ thể là: (1) Đối với nhà chung cư cũ trước đây thuộc sở hữu của nhà nước đã được bán cho người thuê nhà theo Nghị định 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở thì trong giá bán chưa có kinh phí bảo trì phần sở hữu chung (hành lang, cầu thang, tầng mái, bể chứa nước sử dụng chung, bể phốt…). Mặt khác, tại thời điểm bán nhà thì hệ thống pháp luật cũng chưa có quy định về mô hình quản lý đối với các khu nhà ở cũ này; (2) Đối với nhà chung cư mới xây dựng (sau khi có luật Nhà ở) thì đã có các quy định cụ thể về mô hình quản lý, cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan (chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành, chủ sở hữu căn hộ…). Ngoài ra, pháp luật về nhà ở cũng đã có quy định người mua căn hộ chugn cư phải đóng 2% giá trị hợp đồngđể nộp vào quỹ bào trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Việc xảy ra những bất cập trong công tác quản lý nhà chugn cư mới (sau khi có Luật Nhà ở) chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của một số cơ quan chính quyền các cấp thực hiện chưa tốt, chưa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (chủ đầu tư chậm bàn giao kinh phí bảo trì, ban quản trị sử dụng kinh phí bảo trì thiếu công khai, minh bạch; đơn vị dịch vụ quản lý cung cấp nguồn nước kém chất lượng, không kịp thời sửa chữa những bộ phận công trình bị hư hỏng thuộc sở hữu chung như bể phốt tầng mái,…)

2. Về trường hợp chung cư 165B Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội là khu chung cư tập thể cũ (xây dựng trước năm 1975), được UBND Tp. Hà Nội giao cho Tổng Công ty Sông Hồng (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư để thực hiện phá dỡ, xây dựng lại trong giai đoạn 2008 - 2009. Sau khi xây dựng lại, khu nhà ở này được dành một phần để phục vụ tái định cư, một số căn hộ chủ đầu tư đã bán theo giá thương mại và một phần diện tích sử dụng làm văn phòng - dịch vụ. Tại khu nhà ở này hiện đang xảy ra tranh chấp, khiếu nại về công tác quản lý, vận hành. HIện nay, UBND Tp. Hà Nội đang chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

3. Để khắc phục các tồn tại, bất cấp nêu trên, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật để góp phần nâng cao chất lwonjg cuộc sống của người dân tại các khu chung cư (Luật Xây dựng 2013, Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 46/2015/ND-CP ngày 12/5/2015 về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định số 101/2015/ND-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư…)

Gần đây nhất, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,  Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện rà soát, kiểm tra tình hình quản lý, vận hành và tình trạng tranh chấp tại các nhà chung cư trên cả nước. Bộ đã báo cáo Chính phủ tại văn bản số 1304/BXD-QLN ngày 31/5/2018, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư với các giải pháp chính là:
 
(1) Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng và nhà ở; sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tac quản lý chất lượng xây dựng, vận hành nhà chung cư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy cũng như veiecj thực hiện thẩm định, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư theo quy định của pháp luật;
 
(2) UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng và nhà ở, đặc biệt là các quy định  về quản lý, vận hành nhà chugn cư, quy định về phòng, chống cháy nổ; trực tiếp giải quyết những vấn đề tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý, vận hành nhà chung cư.
 
Đối với công trình nhà chung cư 165B Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị tổ chức kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật./.

Nguyễn Ngân