Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV
Nội dung chất vấn của Đại biểu như sau:
Theo Báo cáo số 35 của Bộ gửi các Đại biểu Quốc hội thì từ năm 2011 đến nay Chính phủ đã đầu tư các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Tuy nhiên, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo dự kiến kinh phí để triển khai quá ít, khó có thể hoàn thành công trình một cách tổng thể, dẫn đến không phát huy được mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, gây lãng phí. Đề nghị Bộ trưởng cho giải pháp để giải quyết vấn đề nêu trên?
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời chất vấn như sau:
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn
- Thực trạng đầu tư các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu
a) Giai đoạn 2011 - 2015
Thông qua Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (Chương trình SP - RCC), Chính phủ đã đầu tư khởi công mới nhiều dự án, công trình tại các địa phương, cụ thể:
- 28 công trình thích ứng biến đổi khí hậu với tổng kinh phí 12.750 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương: 6.250 tỷ đồng, ngân sách địa phương: 6.500 tỷ đồng);
- 41 dự án trồng rừng thích ứng biến đổi khí hậu với tổng kinh phí 2.445 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương: 2.223 tỷ đồng, ngân sách địa phwong: 222 tỷ đồng).
b) Giai đoạn 2016 - 2020
- Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh với khoản kinh phí đầu tư các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu là 11.000 tỷ đồng. Sau khi cân đối cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước là 3.114 tỷ đồng, số kinh phí còn lại để khởi công mới các dự án trong giai đoạn 2016 - 2020 là 7.856 tỷ đồng.
- Giai đoạn này, ngân sách nhà nước vẫn còn rất khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư cho biến đổi khí hậu của các địa phương là cấp bách và chính đáng, vì vậy trên cơ sở khoảng 400 đề xuất dự án của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội đồng liên ngành rà soát, thẩm định và xác định danh mục gồm 47 dự án thực sự ưu tiên tại các khu vực còn khó khăn và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu để triển khai (trung bình ngân sách trung ương cân đỗi mỗi dự án trung bình khoảng 167 tỷ đồng, là mức đầu tư hỗ trợ để địa phương có khả năng củng cố, nâng cấp khoảng 8 - 10km đê biển).
- Giải pháp khắc phục
a) Giải pháp trước mắt
Để tránh lãng phí, dàn trải trong đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn các địa phương lựa chọn những hạng mục cấp bách, cấp thiết, có ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân để ưu tiên triển khai trước, đồng thời đề nghị các địa phương bố trí vốn đối ứng để đảm bảo hoàn thành. Các hạng mục khác, Chính phủ sẽ rà soát, bổ sung khi có điều kiện về nguồn vốn hoặc cân đối trong kế hoạch trung hạn giai đoạn sau. Các địa phương có dự án cũng đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và cam kết bố trí vốn đối ứng.
b) Giải pháp lâu dài
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ triển khai các giải pháp căn cơ, bài bản để sử dụng hiệu quả nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo cơ chế, chính sách thông thoáng hơn để địa phương triển khai thực hiện như:
- Xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư các công trình thích ứng biến đổi khí hậu tại địa phương theo hình thức đối tác công - tư.
- Hình thành một số quỹ chuyên biệt về ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Cân đối, phối hợp trong việc sử dụng các nguồn vốn khác để triển khai công trình (ví dụ như nguồn vốn Chương trình Nông thôn mới, trồng rừng, đê điều, nguồn địa phương…)
- Giành tỷ lệ thích đáng hơn trong nguồn vốn huy động từ các đối tác phát triển (ODA) đầu tư cho các công trình thích ứng biến đổi khí hậu.
- Xây dựng các công trình thích ứng tổng thể, có tính liên ngành, liên vùng, có phạm vi tác động đến nhiều địa phương để tập trung đầu tư nhằm mang lại hiệu quả cao hơn ứng phó với biến đổi khí hậu cho phạm vi vùng, miền./.