Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV
Nội dung chất vấn của Đại biểu như sau:
Theo Khoản 2 ĐIều 1 Nghị định số 52/2017/ND-CP ngày 28/4/2017 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định: “… vay vốn khẩn cấp đối phó với thiên tai, thảm họa không thuộc phạm vi Nghị định này.” Như vậy các dự án của tỉnh cho mục tiêu biến đổi khí hậu thì không áp dụng cơ chế vay lại. Các dự án xây dựng đê biển, xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ben biển có phải là các dự án khẩn cấp đối phó với thiên tai, thảm họa không? Nếu không thì dự án khẩn cấp đối phó với thiên tai, thảm họa là những dự án nào?
Bộ Tài chính đã có nội dung trả lời như sau:
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn
Nghị định số 52/2017/ND-CP ngày 28/4/2017 được Chính phủ ban hành để hướng dẫn Luật Quản lý nợ công (2009), theo đó phạm vi của Nghị định bao gồm việc cho vay lại từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương và sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi làm phần đóng góp của địa phương trong các dự án hợp tác công tư; không bao gồm vay vốn khẩn cấp đối phó với thiên tai, thảm họa.
Căn cứ Điều 42, Luật Phòng chống thiên tai số 33/2013/QH13, việc xác định các dự án khẩn cấp đối phó với thiên tai thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài chính đề nghị Quý Đại biểu tham chiếu Luật Phòng chống thiên tai, Pháp lệnh Phòng chống lụt, bão và liên hệ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường để được trả lời chi tiết./.