Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV
Nội dung chất vấn của Đại biểu như sau:
Xin Bộ trưởng cho biết, trong khi Chính phủ phải xuất 1.500 tỷ đồng từ dự phòng, 1.000 tỷ đồng từ dự phòng trung hạn để ứng phó với biến đổi khí hậu thì tại sao các khoản ODA để thích ứng với biến đổi khí hậu chỉ có 20% được đầu tư trực tiếp cho các công trình biến đổi khí hậu và 80% sử dụng như vậy có đúng mục đích?
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời chất vấn như sau:
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn
- Thực trạng huy động vốn ODA cho ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 - 2015
(Chương trình SP - RCC) đã huy động được khoảng 1,2 tỷ USD (Khoảng 27.000 tỷ đồng) hỗ trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo cơ chế tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Văn bản số 8981/VPCP-QHQT ngày 10/12/2010) thì các nguồn vốn ODA tài trợ theo Chương trình SP-RCC sẽ được hòa vào ngân sách nhà nước và được bố trí, sử dụng theo nguyên tắc sau:
- Bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Bố trí cho các dự án đầu tư theo Chương trình SP - RCC;
- Cân đối ngân sách chung.
Trong giai đoạn này, ngân sách nhà nước còn rất khó khăn, nên nguồn vốn ODA huy động được từ Chương trình SP-RCC đã được bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu: 1.300 tỷ động (4,8%); 28 công trình thích ứng biến đổi khí hậu và 41 dự án trồng rừng theo Chương trình SP-RCC: 4.100 tỷ động (15,2%); còn lại 21.600 tỷ đồng (80%) được cân đối ngân sách chung để bố trí cho các công trình liên quan hay góp phần gián tiếp ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân như: công trình giao thông vận tải, thủy lợi, lâm sinh… tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Như vậy, việc sử dụng nguồn ODA này gián tiếp thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và phù hợp tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta trong giai đoạn 2011 - 2015.
- Giải pháp giai đoạn tới
Trong thời gian tới, trong bối cảnh Việt Nam đã “tốt nghiệp ODA”, nhằm huy động và quản lý sử dụng có hiệu quả các khoản ODA ưu đãi cho ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai các giải pháp sau:
- Đề xuất hình thành dòng ngân sách riêgn cho ứng phó với biến đổi khí hậu trong hệ thống mục lục ngân sách nhà nước.
- Đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư các công trình thích ứng biến đổi khí hậu tại địa phương theo hình thức đối tác công - tư.
- Đề xuất hình thành một số quỹ chuyên biệt về ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta trong thời gian tới./.