Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV
Nội dung chất vấn của Đại biểu như sau:
Chúng ta đã bàn rất nhiều về cải cách giáo dục, lúc thì đổi mới thi cử, lúc thì cải cách sách giáo khoa, lúc thì bàn về chương trình đào tạo và hiện nay sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học… đều là những vấn đề lớn. Tuy nhiên, cải cách giáo dục vẫn chưa có lối thoát. Vậy Bộ trưởng cho biết sự trì trệ trong cải cách giáo dục là gì?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản trả lời như sau:
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển khoa học - công nghệ và yêu cầu hội nhập quốc tế, các nước trên thế giới đều thường xuyên tiến hành đổi mới chương trình hoặc cải cách giáo dục nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu ở mỗi giai đoạn phát triển của quốc gia. Ví dụ, riêgn trong lĩnh vực giáo dục phổ thông, từ năm 1956 đến 2014, Hàn Quốc đã 9 lần đổi mới chương trình; các nước Australia, Hoa Kỳ cũng thường xuyên sửa đổi, bổ sung chương trình để cập nhật nhưunxg thành tựu mới của khoa học và đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới và đạt được một số thành tựu quan trọng. Chất lượng chăm sóc, giao dục trẻ mầm non, chất lượng giáo dục toàn diện học sinh phổ thông được cải thiện; các kỳ đánh giá quốc tế, kỳ thi Olympic khu vục và quốc tế của học sinh phổ thông đạt kết quả cao; giáo dục đại học có bước chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; Việt Nam đã có 2 cơ sở giáo dục đại học lọt vào 1000 trường đại học danh tiếng nhất thế giới. ngân hàng thế giới đánh giá 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo của nước ta cũng còn nhiều hạn chế, như: nhận thức của nhiều cán bộ quản lý và giáo viên về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chưa theo kịp yêu cầu đổi mới; chương trình giáo dục phổ thông và chương trình đào tạo đại học hiện hành còn nặng về lý thuyết kinh viện; công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông chưa hiệu quả; việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo còn bất cập; còn tâm lý ngại đổi mới của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; việc tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, trang bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng giáo dục đại trà còn có những hạn chế, đặc biệt là chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn thấp; chất lượng nguồn nhânlwjc trình độ cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước.
Để khắc phục những hạn chế nói trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo và toàn ngành Giáo dục đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu như sau: rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước; nâgn cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp (trong đó có triển khai chuẩn nghề nghiệp; tăng cường công tác bồi dưỡng cho đội ngũ; rà soát, đề xuất các giải pháp khắc phục những bất cập về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý); thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ tohong gắn với định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; đổi mới công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; nâng caoc hất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường hội nhập quốc tế trong giao dục và đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh công tác truyền thông tạo sự thống nhất, đồng thuận để các bộ, ngành và toàn xã hội cùng vào cuộc với ngành giáo dục trong việc đổi mới giáo dục, đào tạo./.