ĐBQH HUỲNH THANH PHƯƠNG - TÂY NINH: GIẢI PHÁP CHO TÌNH TRẠNG THIẾU GIÁO VIÊN MẦM NON DO TINH GIẢN BIÊN CHẾ?

20/08/2018

Ngày 22/6/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh về tình trạng giáo viên mầm non không được ký hợp đồng lao động chuyên môn do thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hộ khóa XIV
 
Nội dung chất vấn của Đại biểu như sau:
 
Hiện nay, tình trạng thiếu giáo viên mầm non, không được giao thêm biên chế do thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, không được ký hợp đồng lao động chuyên môn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc huy động trẻ ra lớp mầm non, lãng phí cơ sở vật chất đã và đang được xây dựng diễn ra nhiều địa phương trên cả nước. Để khắc phục tình trạng này, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để khắc phục triệt để vấn đề trên?
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản trả lời như sau:
 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn
 
Thời gian qua, nhiều địa phương do thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, không được ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn khi đã sử dụng hết số biên chế được giao, đặc biệt là việc thự chiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và sự phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất nên đã xảy ra tình trạng thiếu giáo viên mầm non, ảnh hưởng đến việc huy động trẻ ra lớp mầm non.
 
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có quy hoạch và phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; ưu tiên việc tuyển dụng giáo viên cho giáo dục mầm non, xây dựng phương án kinh phí cho phép các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện hợp đồng lao động đối với số lượng giáo viên mầm non còn thiếu theo định mức quy định (tại Nghị định số 06/2018/ND-CP ngày 05/01/2018 của Chính Phủ); bố trí giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; tăng cường xã hội hóa để thành lập mới các trường mầm non tư thục.
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị với Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức nói chung và công chức, viên chức ngành Giáo dục nói riêng cho phù hợp và hiệu quả. Không thực hiện cắt cơ học theo tỷ lệ tinh giản biên chế mà cần giao đủ biên chế theo định mức quy định, trên cơ sở đó yêu cầu các địa phương/đơn vị làm tốt công tác rà soát, đánh giá để thực hiện tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cho hiệu quả hơn./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội