Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV
Nội dung chất vấn của Đại biểu như sau:
Hiện tượng tiêu cực và những hình ảnh không tốt đã xảy ra đối với hệ thống giáo dục mầm non trong thời gian vừa qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập, ảnh hưởng tác động xấu đã tạo nên sự trăn trở, sự bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm niềm tin của cử tri đối với ngành giáo dục trong lĩnh vực này. Nhằm xây dựng ngành giáo dục một cách hoàn thiện, đổi mới toàn diện và nhân văn, Bộ trưởng có suy nghĩ gì về việc này và có những biện pháp hữu hiện nào để nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục mầm non trong thời gian sắp đến.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản trả lời như sau:
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản về phát triển giáo dục mầm non. Các văn bản này đã tác động sâu sắc, toàn diện, tạo động lực quan trọng để phát triển, làm thay đổi diện mạo của giáo dục mầm non. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân về giáo dục mầm non được nâng lên rõ rệt; việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục mầm non, nhất là đối với trẻ em 05 tuổi được chú trọng; cơ sở vật chất, trường, lớp, môi trường cảnh quan sư phạm được cải thiện, đời sống của giáo viên mầm non từng bước được nâng lên; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ chuyển biến rõ rệt.
Tuy nhiên, một số hiện tượng tiêu cực đã xảy ra đối với hệ thống giáo dục mầm non trong thời gian vừa qua, như: công tác quy hoạch, phát triển trường, lớp đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ em chưa tốt; công tác phân cấp quản lý và vai trò của các cấp quản lý giáo dục còn bất cập, hạn chế trong quản lý tài chính và nhân sự, trách nhiệm không đi đôi với quyền hạn; một số giáo viên mầm non chưa đảm bảo yêu cầu về phẩn chất, năng lực (hạn chế về kỹ năng sư phạm, chưa thực sự yêu nghề, yêu trẻ, chưa ý thức sâu sắc đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp; việc phối hợp giữa nhà trường với gia đình trong chăm sóc giáo dục trẻ chưa được quan tâm đúng mức; công tác phối hợp giữa ngành giáo dục với các ban ngành ở địa phương trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa nghiêm, hiệu quả chưa cao.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục mầm non, cụ thể là:
- Rà soát, sửa đổi Luật Giáo dục, Điều lệ trường mầm non, Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chính sách phát triển giáo dục mầm non; các cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên mầm non.
- Phối hợp với các địa phương quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp mầm non; đầu tư ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa huy động vá nguồn lực của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cùng chăm lo phát triển giáo dục mầm non tham mưu, trình Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng trường, lớp mầm non ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân.
- Rà soát, hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non, trong đó có quy định về phẩm chất đạo đức nhà giáo; xây dựng chương trình bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp; rà soát, hướng dẫn nội dung bồi dưỡng thường xuyên, chú trọng bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm. Đổi mới hoạt động đào tạo giáo viên mầm non ở các trường sư phạm; xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên sư phạm gắn với chuẩn nghề nghiệp giáo viên, trong đó chú trọng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp;
- Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định 80/2017/NĐ-CP về xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh thân thiện và Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về an toàn trường học.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non tại địa phương’ rà soát, khắc phục tình trạng chưa hiệu quả, lỏng lẻo, thiếu quyết liệt, thiếu chủ động trong một số khâu quản lý; đặc biệt có giải pháp hiệu quả trong giám sát, phát hiện hành vi bạo hành trẻ và những vi phạm trong quản lý các cơ sở giáo dục mầm non (đặc biệt là đối với các nhóm, lớp độc lập tư thục), xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.