ĐBQH Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV
Nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội như sau:
Xin Bộ trưởng cho biết cơ sở thực tiễn nào để Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chính sách học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm như trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội? Bộ trưởng có tin rằng, nếu chính sách học phí này được Quốc hội thông qua sẽ tạo sự đột phá để hấp dẫn thu hút học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm hay không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản trả lời như sau:
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn
1. Cơ sở thực tiễn đề xuất chính sách học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm như trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 là vấn đề dư thừa sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm trong ngành Giáo dục, gây lãng phí ngân sách nhà nước đã chi trả để cấp bù học phí sư phạm cho đối tượng sinh viên này; chất lượng sinh viên sư phạm không còn cao như trong khoảng thời gian 10 năm khi ban hành chính sách miễn học phí sư phạm từ năm 1998 đến năm 2008. ĐỒng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo một số trường sư phạm đã tiến hành khảo sát đối với sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp cho thấy:
- Việc thực hiện chính sách miễn học phí sư phạm và cấp bù số học phí cho các trường được tính theo số lượng sinh viên, nên một số trường sư phạm trong gia đoạn vừa qua đã tăng số lượng sinh viên, dẫn đến chất lượng đầu vào không cao, đầu ra dư thừa giáo viên, sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có cơ hội phục vụ ngành Giáo dục.
- Mức cấp bù học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ như hiện nay là quá thấp, chưa đảm bảo chi phí đào tạo tối thiểu. Chính sách này hiện không còn phù hợp với xu hướng tự chủ hiện nay của các trường đại học nói chung và các trường sư phạm nói riêng, không thúc đẩy các trường sư phạm tích cực, chủ động khai thác nguồn thu để tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo do tâm lý chờ đợi ngân sách bao cấp, cấp bù học phí sư phạm.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chính sách cho vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả được một phần sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Sinh viên có thể linh hoạt lựa chọn vay 1 trong 2 hoặc cả 2 loại (học phí và sinh hoạt phí). Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian theo quy định, sinh viên sẽ được tất toán khoản vay mà không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào. Chính sách này đảm bảo cho ngân sách nhà nước được sử dụng không đúng đối tượng, đúng mục tiêu và tạo thêm hành lang pháp lý để thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, chính sách này không giải quyết được mục tiêu thu hút học sinh giỏi vào các trường sư phạm.
Chính sách hỗ trợ học bổng của các trường đại học đối với sinh viên giỏi như hiện nay thì việc có miễn học phí đại học hay không không còn là yếu tố tác động đến lựa chọn ngành nghề của học sinh, các em học sinh giỏi có rất nhiều lựa chọn ngành nghề. Yếu tố quyết định đến lựa chọn của học sinh là khả năng tìm việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo, mức thu nhập và các chế độ đãi ngộ mà ngành nghề đó mang lại sau khi các em tốt nghiệp ra trường.
Do đó, để thực hiện mục tiêu thu hút học sinh giỏi theo học ngành sư phạm, cần áp dụng đồng bộ các chính sách giải quyết việc làm, phân công công tác sau tốt nghiệp cho sinh viên sư phạm, và vấn đề căn cốt là thu nhập của giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất tăng tiền lương cho giáo viên để góp phần thực hiện mục tiêu này./.