ĐBQH TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH- TP.HÀ NỘI: THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VÀ CUNG ỨNG DỊCH VỤ CÔNG CÒN NHIỀU BẤT CẬP

19/08/2018

Những năm qua, Nhà nước đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội... tuy nhiên, trên phương diện hành chính công thì việc ban hành và thực thi trong thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Tuy nhiên, theo ý kiến của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, việc ban hành, thực hiện hành chính công, thủ tục hành chính, quản lý và cung ứng dịch vụ công, việc phối hợp các cơ quan, tổ chức trong thực hiện hành chính công vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. 

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trả lời phỏng vấn

Phóng viên: Thưa đại biểu, thực tiễn thi hành chính sách pháp luật về hành chính công thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như thế nào?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi đã tiến hành đánh giá tổng kết thực tiễn thi hành thực hành chính sách pháp luật về hành chính công liên quan đến dự án Luật Hành chính công. Lúc đầu, chúng tôi cũng đánh giá rộng nhiều vấn đề. Ngoài vấn đề thủ tục hành chính, hành chính công tập trung đánh giá cả về tổ chức cán bộ, bộ máy nhà nước, vấn đề chính phủ điện tử, kiểm soát hành chính công; ... Tuy nhiên, như vậy phạm vi là quá rộng, thực tế có những nội dung đã có hệ thống pháp luật đầy đủ rồi. Vì vậy, chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ tập trung thu gọn phạm vi của luật hành chính công vào vấn đề thủ tục hành chính, dịch vụ công là những vấn đề mà hiện nay chưa có luật điều chỉnh. Và đây là những vấn đề thu hút được sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức mà đặc biệt là người dân và doanh nghiệp.

Thời gian qua, công tác thi hành chính sách pháp luật về hành chính công đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thủ tục hành chính ngày càng thống nhất, đồng bộ, đơn giản, minh bạch, tiếp cận thông lệ quốc tế. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh giúp tiết kiệm đáng kể chi phí xã hội. Những kết quả đạt được trong công tác cải cách thủ tục hành chính đã và đang góp phần cải thiện chỉ số môi trường và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ phận Một cửa xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thi hành chính sách pháp luật về hành chính công thời gian qua bộc lộ những bất cập, hạn chế gì đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện, thưa Đại biểu?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách pháp luật về hành chính công, thì hiện vẫn chưa có văn bản quy định ở tầm luật về hành chính công.

Mặc dù được coi là trọng tâm của cải cách hành chính nhưng thủ tục hành chính chưa được quy định với những nguyên tắc chung chuẩn hóa trong luật. Hầu hết những quy định về thủ tục hành chính hiện nay còn nặng về hồ sơ, giấy tờ, bản sao có công chứng, chứng thực; thiếu sự kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin trong cơ quan hành chính các cấp. Vấn đề thủ tục hành chính và dịch vụ công hiện nay chưa được quy định tập trung. Ví dụ: thủ tục hành chính nằm rải rác ở các luật, luật này chồng lên luật khác; thủ tục hành chính lại nặng về vấn đề mỗi lần đi làm hồ sơ giấy tờ; vấn đề bản photo yêu cầu phải nộp kèm như giấy khai sinh, giấy chứng nhận,... mà chưa có 1 quy định chuẩn về vấn đề thủ tục hành chính nên trong mỗi luật lại quy định rất khác nhau và chồng chéo lên nhau.

Đối với vấn đề dịch vụ công, đây là vấn đề lớn có ý nghĩa quan trọng hiện nay nhưng mới chỉ quy định về khái niệm trong Luật Đấu thầu và quy định chung chung thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong Luật Tổ chức Chính phủ, chưa được thể chế hóa quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành. Vì vậy nhận thức chuẩn chung của các các bộ ngành, địa phương và người dân về dịch vụ công còn rất khác nhau. Bên cạnh đó, các bộ, ngành địa phương cũng gặp lúng túng trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự trong việc tách bạch khối quản lý nhà nước và khối trực tiếp cung ứng dịch vụ công, dẫn đến tình trạng tăng biên chế hay phình to bộ máy.

Phóng viên: Thưa đại biểu, qua tổng kết đánh giá về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về hành chính công thì dự án Luật Hành chính công sẽ tập trung vào điều chỉnh những nội dung cơ bản nào?

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Hành chính công với 5 chương và 45 điều, đồng thời giới hạn phạm vi, đối tượng điều chỉnh. Dự thảo Luật tập trung vào 2 vấn đề cốt lõi, đó là thủ tục hành chính và dịch vụ công, trách nhiệm và mối quan hệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công.

Dự án Luật Hành chính công dự kiến sẽ được hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 9 trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lê Anh