Đại biểu chỉ ra rằng, luật tố tụng hiện hành chưa có những quy định đặc thù để giải quyết các vụ việc về lao động, chưa có quy định về thủ tục rút gọn để áp dụng giải quyết nhanh gọn, hiệu quả các vụ dân sự đơn giản, chứng cứ rõ ràng. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo và Quốc hội nghiên cứu, thiết kế một chương riêng đối với những quy định đặc thù về tố tụng lao động với các lý do sau:
Thứ nhất, qua thống kê cho thấy số vụ tranh chấp về lao động được tòa án thụ lý ngày càng tăng, năm 2012 là 3.117 vụ, năm 2013 là 4.471 vụ, năm 2014 là 4.682 vụ do Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý. Thực tế, số vụ tranh chấp này còn cao hơn rất nhiều bởi Tòa án trả đơn vì không đủ điều kiện thụ lý hoặc do trình tự, thủ tục phức tạp kéo dài, người lao động không đủ khả năng theo đuổi vụ kiện nên chấp nhận phần thua thiệt.
Thứ hai, pháp luật về tố tụng lao động hiện hành chưa có chế định cụ thể về tổ chức đại diện của người lao động trong tham gia tố tụng lao động. Đây là chủ thể mới được quy định bởi luật nội dung là Bộ luật lao động. Vì vậy, việc tham gia tố tụng lao động của tổ chức đại diện người lao động là công đoàn trong thời gian qua chủ yếu bằng hình thức ủy quyền, nhưng chỉ giải quyết mang tính cá biệt qua từng vụ án, từng đương sự cụ thể.
Thứ ba, về chứng minh chứng cứ trong vụ án lao động. Trong các vụ án lao động có những đặc thù riêng, bởi lẽ trong quan hệ lao động dù có xảy ra tranh chấp nhưng hai bên vẫn duy trì mối quan hệ và một bên của quan hệ lao động là người lao động luôn ở thế yếu do bị chi phối bởi mối quan hệ chủ, thợ. Do vậy, người lao động gặp rất nhiều khó khăn trong cung cấp chứng minh chứng cứ cho tòa án nhưng không có hợp đồng lao động hoặc do không lưu giữ được hợp đồng lao động. Không có bảng lương được chứng minh việc nợ lương của người sử dụng lao động đối với họ, bị sa thải đơn phương không có văn bản...
Hơn nữa, ngay trong quy định về tố tụng dân sự hiện hành tuy đã có quy định về giao nộp chứng cứ và đương sự có quyền yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ, nhưng lại không có chế tài xử lý khi có trường hợp bên giữ chứng cứ nhưng không giao nộp chứng cứ, do đó làm cho nhiều vụ án bị kéo dài, người lao động không đủ sức để chờ đợi.
Từ đó, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đưa ra xét xử bằng hình thức gộp vụ án lại. Thực hiện như trên sẽ rút ngắn được trình tự, thủ tục nhanh, gọn, đỡ tốn thời gian, chi phí cho tòa án và các đương sự trong vụ kiện.
Thứ tư, về thành phần xét xử sơ thẩm vụ án người lao động. Thực tiễn cho thấy thẩm phán là người xét xử chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, không phải tất cả thẩm phán đều am hiểu sâu về pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các pháp luật chuyên ngành khác liên quan. Vì vậy, trong nhiều vụ án lao động đã qua có công đoàn tham gia trong Hội thẩm nhân dân đã cung cấp thông tin trao đổi giúp Thẩm phán đưa ra những phán quyết chính xác. Đặc biệt, quan hệ lao động hiện nay là vấn đề đa dạng, phức tạp nhưng cũng dễ bị lợi dụng để vi phạm pháp luật. Do vậy, rất cần một Hội thẩm nhân dân là đại diện công đoàn trong tất cả các vụ án lao động, không chỉ tham gia vụ án lao động là người chưa thành niên.
Từ những vấn đề trên và tính đặc thù trong các vụ án về lao động, đại biểu đề nghị Quốc hội, Ban soạn thảo xây dựng một chương riêng về tố tụng lao động trong Bộ luật tố tụng dân sự làm cơ sở để nghiên cứu, xây dựng Luật tố tụng lao động trong thời gian tới. Theo đó, trong chương này cần quy định những nội dung cơ bản, đó là những quy định về tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, bổ sung thêm nội dung những tranh chấp đã được hòa giải thành nhưng các bên không thi hành hoặc chỉ thi hành một phần; nội dung tranh chấp được bổ sung thêm tranh chấp về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn và các tranh chấp khác về lao động, những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án; quy định Hội thẩm nhân dân là đại diện công đoàn trong tất cả các vụ án lao động.