Báo cáo của Chính phủ cho thấy năm 2014 đã đạt chỉ tiêu tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, đây cũng là chỉ tiêu được thực hiện trong nhiều năm qua và đều đạt kế hoạch. Tuy nhiên, theo Tổng cục thống kê năm 2014 thì tỷ lệ thất nghiệp là 2,08%, đến quý I/2015 tỷ lệ cạnh tranh giữa những người tìm việc làm đã giảm, cơ hội có việc làm đã dần được cải thiện nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên từ 15-24 tuổi lại có xu hướng tăng, năm 2014 là 6,3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cũng tăng lên 11,49%.
Trong khi đó mỗi năm nước ta có thêm hơn 1,2 triệu lao động mới thì áp lực về giải quyết việc làm lại tăng lên đáng kể. Mặc dù với tỷ lệ này so với mặt bằng chung trên thế giới và khu vực được cho chưa phải là cao nhưng đáng lưu ý là tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm thường xuyên nhất là trong thanh niên từ 15-24 tuổi đã chiếm trên 50% tổng số người thất nghiệp. Điều đó dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho xã hội, đặc biệt là tình trạng tội phạm trong nhóm thanh, thiếu niên có xu hướng tăng ở phần lớn các địa phương trong cả nước trong thời gian gần đây.
Cùng với việc giải quyết việc làm thì phần lớn người lao động quan tâm nhất vẫn là lương, là thu nhập, là sự ổn định và tính bền vững của việc làm, chính sách đãi ngộ đối với người lao động, những nội dung này chưa được báo cáo, đánh giá toàn diện, đầy đủ và không có minh chứng cụ thể.
Số liệu nghiên cứu của Viện khoa học, lao động và xã hội đáng suy nghĩ khi chỉ ra thu nhập bình quân tháng của lao động nước ta tăng rất chậm, trong khi giá cả tiêu dùng hàng ngày đều tăng nhanh. Cơ cấu lao động của người lao động Việt Nam cũng được đánh giá là khá tụt hậu trong khối ASEAN, ngay cả một số nước có các điểm về kinh tế, xã hội tương đồng nội khối trước đây ta đứng trước nhưng hiện cũng đã vượt ta.
Trong những năm tới Việt Nam tiếp tục được đánh giá là quốc gia có dân số trẻ, cơ cấu dân số vàng, số lượng người mới tham gia thị trường lao động sẽ còn tăng yêu cầu về giải quyết việc làm và bảo đảm các chính sách cho người lao động vẫn còn đòi hỏi lớn của toàn xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia ký kết là thành viên của các hiệp định thương mại và nhất là sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN và cuối năm nay.
Theo đó sẽ có những cam kết tạo điều kiện lao động lành nghề di chuyển trong khối, khi đó những ưu điểm của lao động nước ta như trẻ, đông đảo, khéo tay, học nhanh và làm việc chăm chỉ sẽ khó cạnh tranh với lực lượng lao động có trình độ, có kỹ năng và kỷ luật vượt trội của các nước trong ASEAN. Đây là một trong những thách thức rất lớn của lao động nước ta.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá sâu về các chương trình có liên quan đến việc giải quyết việc làm cho thanh niên, như thanh niên khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Việc làm gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng ở vùng miền núi, việc làm cho lao động vùng bị thu hồi đất phục vụ cho các công trình lớn như thủy điện nhất là khi chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011 - 2015 đang đi vào giai đoạn kết thúc.