Đại biểu Đỗ Văn Đương bày tỏ, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để kinh tế tăng trưởng so với nhiều năm trước, an ninh trật tự được giữ vững. Tuy nhiên, những khó khăn hạn chế cơ bản vẫn còn kéo dài nhiều năm.
Trong 7 nhóm khó khăn, hạn chế về kinh tế-xã hội được nêu trong báo cáo, đại biểu thấy rằng, chỉ phản ánh lên tình hình, chưa phân tích đánh giá nguyên nhân, ở đây chủ quan là chính, hay tại khách quan, cũng như nhiều kỳ trước, giải pháp nêu trong báo cáo tiếp tục mang nặng tầm vĩ mô, ý chí quyết tâm như chủ động, tăng cường, tiếp tục tập trung đẩy mạnh, chưa thấy giải pháp thiết thực mang tính đột phá để khắc phục từng bước giải quyết những khó khăn, hạn chế đó.
Vì sao sản xuất nông nghiệp tăng trưởng thấp, có phải do thị trường tiêu thụ hạn chế, hay chất lượng nông sản thấp. Các cụ dạy rằng "trăm người bán, vạn người mua", cứ sản xuất nhiều, nhưng thiếu thị trường tiêu thụ, có thị trường tiêu thụ, nhưng chất lượng hàng hóa thấp, hỏi rằng có bán được không? Nông dân làm theo phong trào, tạo ra nhiều sản phẩm, dẫn đến hàng hóa, nông sản ế ẩm.
Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, gần như năm nào Chính phủ cũng ứng tiền ra để thu mua tạm trữ lúa, gạo. Nhưng đến nay chúng ta đã đánh giá hiệu quả, tác động của giải pháp tình thế này đến đâu? Bà con nông dân được hưởng lợi như thế nào? Có ý kiến cử tri phản ánh rằng, khi có chủ trương này, hầu như bà con nông dân đã bán hết thóc, để trang trải nợ nần, chi phí sản xuất, chỉ còn thương lái đã thu gom mua trước đó. Vậy có phải chúng ta mua lại của thương lái hay không?
Giải pháp để tăng cường xuất khẩu hàng nông sản, nên theo hướng mở rộng thị trường tiêu thụ, hợp tác mạnh mẽ với các nước có công nghệ cao, công nghệ sạch như Nhật Bản, Israel.
Trong sản xuất nông nghiệp, tìm nhu cầu thị trường để xác định địa chỉ tiêu thụ, ấn định quy mô sản xuất, cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp. Chẳng hạn thị trường cần ăn ngon, thì trồng loại lúa dài ngày, có chất lượng cao, thị trường cần ăn no, trồng lúa ngắn ngày, để xuất khẩu, ở Campuchia người ta cũng từng làm như thế. Tại sao Israel mưa ít, nắng nhiều, nhưng họ biến hoang mạc thành những cánh đồng tươi tốt, trong khi đất nước ta nắng nhiều, mưa cũng nhiều, nhưng hạn hán diễn ra nghiêm trọng. Đất đai ruộng đồng của các đồng bào các vùng Trung bộ, Tây Nguyên xảy ra những tình trạng đồng khô, cỏ cháy, gia súc chết dần, chết mòn. Tình trạng này liên quan gì đến việc làm thủy điện, đến phá rừng hay không? Hay do biến đổi khí hậu gây nên. Giải pháp cung cấp nước cho các vùng xảy ra hạn hán kéo dài là tăng thêm hồ chứa hay đào kênh dẫn nước, hay buộc phải thay đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng cho phù hợp và lộ trình thực hiện từng năm như thế nào?
Ngoài ra, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra nhiều nơi ở địa phương gây bức xúc nhưng mà chưa đánh giá rõ tình hình xem thiệt hại đến tài nguyên, đến tính mạng sức khỏe con người. Nhưng tại sao những doanh nghiệp thiếu lương tâm xả, thải trái phép chất độc vào trong môi trường, gây ô nhiễm, khinh nhờn pháp luật, xử lý hành chính có đủ sức răn đe hay không? Tới đây Bộ Luật hình sự cần quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân, kinh tế có thỏa đáng không?
Đại biểu đề nghị đối với từng hạn chế, khó khăn của từng lĩnh vực, kinh tế hộ báo cáo lần sau cần phải nêu ra để đại biểu phân tích, mổ xẻ. Nguyên nhân góp phần cùng Chính phủ đề ra giải pháp thiết thực cụ thể, nhất là giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế to lớn của chúng ta về kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp, kinh tế du lịch. Người dân đang ngóng chờ những cú huých mạnh mẽ về chính sách, sự đầu tư thật thỏa đáng của nhà nước, nhà nước là bà đỡ trong lĩnh vực này. Vì lĩnh vực này tư nhân ít đầu tư vì sợ rủi ro, để tạo bước đột phá tăng trưởng về kinh tế và phát triển bền vững.