Về mối quan hệ của Hội đồng nhân dân với các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đại biểu Triệu Là Pham nhận xét, trước đây theo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2003 đã đề cập đến cơ quan cấp trên trực tiếp của Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, dự thảo luật lần này quy định Chính phủ lãnh đạo công tác của Hội đồng nhân dân, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trong khi đó, Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều là cơ quan dân cử được nhân dân bầu ra, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, có quan hệ mật thiết với nhau, giống nhau cơ bản về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Vì vậy, theo đại biểu, quy định này là chưa phù hợp. Bởi với quy định này thì Hội đồng nhân dân đang ở thế chung chiêng, vì chưa xác định được cơ quan cấp trên trực tiếp của mình là ai, khi cần hỏi ai, báo cáo ai.
Đại biểu Triệu Là Pham đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ về mối quan hệ của hệ thống tổ chức Hội đồng nhân dân theo chiều dọc và chiều ngang. Hệ thống theo chiều dọc nên xác định rõ ai là cơ quan cấp trên trực tiếp của Hội đồng nhân dân, mối quan hệ giữa cơ quan cấp trên với cấp dưới. Quốc hội có phải là cơ quan cấp trên trực tiếp của Hội đồng nhân dân tỉnh hay không. Cấp tỉnh có phải là cơ quan cấp trên trực tiếp của Hội đồng nhân dân huyện hay không.
Dự thảo luật lần này không đề cập đến vấn đề cơ quan cấp trên trực tiếp của Hội đồng nhân dân. Những nội dung liên quan đến cơ quan có thẩm quyền lãnh đạo công tác Hội đồng nhân dân; hướng dẫn, kiểm tra, bồi dưỡng, tập huấn tốt nhất, chuyên sâu nhất về hoạt động của Hội đồng nhân dân; thẩm quyền phê chuẩn kết quả bầu cử trong việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban và các thành viên khác của các Ban của Hội đồng nhân dân… chưa được làm rõ.
Do đó, dự thảo Luật cần phải làm rõ hơn vấn đề này trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp của luật hiện hành nhằm xây dựng hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với việc đổi mới, hoàn thiện nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Về tên chương tại Chương II quy định chính quyền địa phương ở nông thôn, theo đại biểu quy định này là nhằm phân biệt với chính quyền địa phương ở đô thị được quy định tại Chương III dự án Luật. Việc quy định chính quyền địa phương ở nông thôn bao gồm cả chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện là chưa hợp lý.
Đại biểu phân tích, thuật ngữ nông thôn được hiểu là thuộc địa bàn quản lý bởi cấp hành chính là cấp cơ sở, gắn liền với cộng đồng dân cư ở nông thôn. Nếu đưa cả chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện gọi chung là chính quyền địa phương ở nông thôn là không phù hợp với thuật ngữ nông thôn vẫn hiểu thông dụng hiện nay.
Vì vậy, đại biểu Triệu Là Pham đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi tên Chương II thành chính quyền địa phương ở địa phương cho phù hợp với đơn vị hành chính ở nước ta hiện nay vừa phù hợp với sự phân định thẩm quyền và phân cấp giữa cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương. Theo đó sửa đổi lại Khoản 1, Điều 5 thành chính quyền địa phương ở địa phương bao gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, chính quyền địa phương ở huyện, chính quyền địa phương ở xã cho phù hợp.
Đại biểu Triệu Là Pham cũng có cùng quan điểm với nhiều đại biểu phát biểu tại hội trường về các vấn đề đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; đề xuất thành lập Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân huyện-nơi nào có nhiều dân tộc thiểu số; về việc không nên quy định cứng số lượng Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.