Đại biểu Huỳnh Nghĩa bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nhiều nội dung của dự thảo luật. Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu cho rằng việc thành lập cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở tất cả các đơn vị hành chính là mô hình hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp mới, được đa số đại biểu Quốc hội kỳ vọng, những người có tâm huyết làm việc tại Hội đồng nhân dân các cấp trông đợi và cũng là nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa đánh giá việc xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương lần này là cơ hội vàng để chúng ta tiếp tục khẳng định, củng cố, tăng cường quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện sâu sắc, rõ nét bản chất của nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Góp ý về một số nội dung của dự thảo luật, đại biểu Huỳnh Nghĩa cho biết nguyên nhân đầu tiên có tính quyết định đến hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân chính là số lượng đại biểu chuyên trách. Thời gian qua, đại biểu Hội đồng nhân dân kiêm nhiệm quá nhiều, nhất là kiêm nhiệm bên khối chính quyền dẫn đến tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi, nên hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đem lại kết quả như mong đợi.
Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi lần này điều chỉnh theo hướng tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách nhưng, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách không thay đổi. Đại biểu Nghĩa kiến nghị, cần quy định trong luật tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách ở mỗi cấp: ít nhất 30% ở cấp tỉnh, 20% cấp huyện, 15% cấp xã. Đồng thời, quy định hạn chế thấp nhất số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân đồng thời là lãnh đạo hoặc cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân. Tăng cường số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc khối Đảng, các tổ chức đoàn thể xã hội.
Nhận định trách nhiệm của các Ban của Hội đồng nhân dân là rất nặng nề, để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị cần quy định rõ số lượng ở cấp tỉnh mỗi Ban nên có một Trưởng ban, hai Phó trưởng ban và một Ủy viên hoạt động chuyên trách. Đối với cấp huyện nên quy định mỗi ban có một Trưởng ban, một Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách.
Đại biểu phân tích, với lực lượng chuyên trách tăng cường như trên sẽ đáp ứng điều kiện, khắc phục tính hình thức lâu nay, đảm bảo hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp có thực quyền và mang lại hiệu quả thiết thực.
Cho ý kiến về Điều 102 của dự thảo luật quy định về phân định thẩm quyền giữa Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị cần quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật nội dung nào thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân, nội dung nào Thường trực Hội đồng nhân dân có quyền cho ý kiến để Ủy ban nhân dân tổ chức, thực hiện và phải báo cáo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân gần nhất. Quy định như vậy mới đảm bảo Hội đồng nhân dân hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng Thường trực Hội đồng nhân dân làm thay công việc của Hội đồng nhân dân, đảm bảo yêu cầu giám sát đối với hoạt động quản lý hành chính nhà nước tại địa phương.
Nhằm thực hiện mục tiêu tăng cường chức năng quyết định của Hội đồng nhân dân, để Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực theo đúng nghĩa, đại biểu kiến nghị thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cần được quy định thêm ở các luật chuyên ngành khác cũng như quy định theo hướng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân có hiệu lực áp dụng trực tiếp, không qua bước ban hành nghị quyết của Ủy ban Nhân dân cùng cấp.