CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ NHẤT BAN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG CÁC CHUYÊN ĐỀ THUỘC ĐỀ ÁN “CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ĐẾN NĂM 2030, ĐỊNH HƯỚNG NĂM 2045”

26/08/2021

Chiều 26/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

 

Tham dự phiên họp còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên Ban Chỉ đạo cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan.

Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công của Đảng đoàn Quốc hội thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” của Đảng đoàn Quốc hội, nêu rõ, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 tiếp tục xác định và nhấn mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm đổi mới hệ thống chính trị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để thực hiện nhiệm vụ này cần nghiên cứu ban hành chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó có xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đối với xây dựng hệ thống pháp luật yêu cầu có hệ thống đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân dân chủ pháp quyền chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Yêu cầu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình cho biết, Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ là căn cứ để trình Bộ Chính trị và để trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công của Đảng đoàn Quốc hội thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, phát biểu khai mạc phiên họp

Tại Kế hoạch số 02-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Đảng đoàn Quốc hội được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng 04 chuyên đề. Đó là:

Một là chuyên đề về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hai là chuyên đề về Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ba là chuyên đề về Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bốn là chuyên đề về Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bên cạnh đó, Đảng đoàn Quốc hội cũng có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, chỉ đạo vào đôn đốc thực hiện Chuyên đề về Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là những vấn đề rất khó, có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách của nhiều cơ quan, tổ chức. Thời gian triển khai, thực hiện các chuyên đề đòi hỏi phải khẩn trương. Do đó sau khi nhận được yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 106-KH/ĐĐQH15 để triển khai thực hiện nhiệm vụ các chuyên đề được phân công, có văn bản gửi các cơ quan hữu quan đề nghị cử đại diện tham gia Ban Chỉ đạo, các Tiểu ban xây dựng các chuyên đề. Đảng đoàn Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 141-NQ/ĐĐQH15 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và thành lập các Tiểu ban để nghiên cứu xây dựng các chuyên đề.

Nhấn mạnh đây là cuộc họp quan trọng để thống nhất về cách làm, thống nhất quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo bằng trí tuệ, kinh nghiệm và trách nhiệm của mình, tham gia tích cực chất lượng vào các nội dung xin ý kiến và các hoạt động trong thời gian tới.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường công bố Nghị quyết 141-NQ/ĐĐQH15 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, xem xét thông qua Quy chế làm việc, thảo luận phân công trách nhiệm của từng thành viên và xác định các yêu cầu cụ thể về kết quả nghiên cứu đối với từng chuyên đề.

Các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo triển khai nhiệm vụ, xây dựng các dự thảo Quy chế làm việc, Kế hoạch triển khai một cách nhanh chóng, bài bản; bày tỏ cơ bản nhất trí về về dự thảo quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo. Đồng thời cho rằng cách thức thực hiện các chuyên đề là điều rất quan trọng để bảo đảm chất lượng nội dung. Do đó cần bảo đảm yêu cầu thông tin đầu vào, các cơ quan chủ trì phụ trách cần mở rộng cách thức lấy ý kiến, thành phần tham gia để có thêm nhiều thông tin, huy động được trí tuệ tập thể.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Đảng đoàn Quốc hội được giao thực hiện 4 chuyên đề, Ban Cán sự Đảng Chính phủ được giao thực hiện 3 chuyên đề. Các chuyên đề này đều nằm trong tổng thể chung của Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Do đó, trong quá trình triển khai nhiệm vụ cụ thể, quá trình phân công nhiệm vụ và xây dựng đề cương rất cần sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ. Lưu ý thời gian thực hiện gấp rút, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị việc xây dựng lịch trình, phân bổ thời gian, lực lượng thực hiện từng chuyên đề một cách phù hợp để có kết quả tốt nhất.  

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng nhất mạnh vai trò của các Tổ biên tập trong trực tiếp soạn thảo, cụ thể hóa các nội dung theo định hướng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Tiểu ban, do đó Tổ biên tập cần huy động sự tham gia của những người có năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh sự tham gia của các thành viên và ghi nhận các ý kiến đóng góp sôi nổi, thẳng thắn, gợi mở nhiều nội dung quan trọng để tổ chức triển khai các chuyên đề. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo và các yêu cầu đối với từng chuyên đề.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo nhất là các Trưởng Tiểu ban khẩn trương quán triệt triển khai các nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, thành lập các Tổ biên tập, tham vấn ý kiến chuyên gia, cộng tác viên, khẩn trương xây dưng dự thảo đề cương các chuyên đề, xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội và Ban Chỉ đạo về dự thảo đề cương trước khi soạn thảo.  Lưu ý đến tiến độ thực hiện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Tiểu ban xây dựng các chuyên đề chủ động triển khai thực hiện, chuẩn bị từ sớm, từ xa để bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện, trong đó, phát huy vai trò của Tổ biên tập. Trưởng Tiểu ban chịu trách nhiệm trước Ban Chủ đạo và Đảng đoàn Quốc hội về tổ chức thực hiện, tiến độ, chất lượng các chuyên đề.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, các chuyên đề sau khi hoàn thành sẽ báo cáo Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến chính thức trước khi trình Ban Chỉ đạo Trung ương./.

Bảo Yến - Bùi Hùng

Các bài viết khác