Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Tổ
Thảo luận tại Tổ 12 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Kiên Giang, Bắc Ninh và Tp.Hải Phòng.
Cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản tán thành với các nguyên tắc, quan điểm sửa đổi Luật như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đồng thời, đề nghị cơ quan tiếp tục rà soát để Luật lần này quán triệt và cụ thể hóa tối đa chủ trương đường lối của Đảng về công tác thanh tra, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp 2013 trong đó có chức năng, nhiệm vụ thanh tra, cũng như kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và các tổ chức thuộc đối tượng thanh tra. Cùng với đó, khắc phục những hạn chế, bất cập đã chỉ ra sau tổng kết thi hành.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các nguyên tắc, quan điểm đó đều hướng đến mục tiêu để sau khi Luật được sửa đổi sẽ góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu qủa của ngành thanh tra và hoạt động thanh tra; xây dựng ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Phòng, chống tham nhũng tiêu cực không chỉ ở tác động của hoạt động thanh tra đến xã hội mà còn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong chính hoạt động thanh tra như chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch Quốc hội làm rõ. Do đó hoạt động thanh tra phải bảo đảm công khai, minh bạch, đảm bảo các kết luận hay kiến nghị thanh tra được đưa ra trên cơ sở đánh giá khách quan, không ai có thể can thiệp, chi phối hoạt động này, cũng như giảm bớt phiền hà cho đối tượng thanh tra, tránh chồng chéo trùng lặp.
Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, dự thảo Luật kế thừa quy định về hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Luật Thanh tra hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện. Trong quá trình thảo luận còn có 02 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra huyện. Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra, theo đó không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện. Cho ý kiến đối với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, không những cần tiếp tục giữ mô hình thanh tra 3 cấp gồm Trung ương, tỉnh và huyện mà còn cần tập trung tăng cường năng lực cho cấp huyện bởi cấp huyện là cấp cơ sở gần dân nhất, nhiều việc nhất.
Về thành lập Thanh tra Cục, Tổng cục thuộc Bộ, Thanh tra Sở, thành lập cơ quan thanh tra để thực hiện thanh tra chuyên ngành tại cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ thán thành với đề xuất của Chính phủ. Theo đó, ở các Bộ, ngoài Thanh tra Bộ thì còn có Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập theo yêu cầu quản lý, theo quy định của pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Chính phủ quyết định thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước để thực hiện thanh tra chuyên ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và yêu cầu quản lý. Thanh tra sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở quy định của luật chuyên ngành, yêu cầu quản lý trong từng lĩnh vực và tổ chức, biên chế được giao cho địa phương. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần có thêm quy định về tiêu chí, nguyên tắc thành lập và định hướng lớn để làm cơ sở cho Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương quyết định; đồng thời có rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm không chồng chéo.
Thảo luận tại Tổ 12 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Kiên Giang, Bắc Ninh và Tp.Hải Phòng
Đặc biệt lưu ý đến trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu tham khảo luật Kiểm toán nhà nước. Chủ tịch Quốc hội làm rõ, dù thanh tra và kiểm toán nhà nước là khác nhau, chức năng khác nhau nhưng đều có chung yêu cầu về bảo đảm công khai, minh bạch. Do đó, Chủ tịch Quốc hội tán thành việc duy trình hai quy trình thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành nhưng hai loại hình thanh tra này cần có khung quy trình chung, có những bước bắt buộc áp dụng chung cho cả hai loại hình thanh tra; đồng thời có quy định riêng về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành trong Luật này để vừa bảo đảm hoạt động thanh tra được thực hiện đồng bộ, chuyên nghiệp, đúng mục đích, vừa phù hợp với đặc thù của từng loại hình hoạt động thanh tra. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải rà soát kỹ lưỡng hoàn thiện quy trình thanh tra vừa có khung chung và cụ thể hóa đối với từng loại. Cụ thể hóa từng bước, thẩm quyền của từng bước, trách nhiệm của từng bước, hồ sơ từng bước để mỗi bước đều rõ ràng, công khai, minh bạch. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quy trình cụ thể, rõ ràng vừa tránh được phiền hà, vừa có thể là cơ chế để phòng ngừa tiêu cực.
Chủ tịch Quốc hội gợi nhắc, trước đây khi sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước, để bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, Luật đã thiết kế thêm quy định về nhật ký kiểm toán, biên bản làm việc, kết luận, hồ sơ,…quy định rõ các khâu từ lập kế hoạch, chuẩn bị kiểm toán, tổ chức kiểm toán và kiểm toán lại việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Luật Kiểm toán nhà nước còn có riêng một chương về Hội đồng kiểm toán. Theo đó, trong trường hợp còn ý kiến khác nhau, Tổng Kiểm toán nhà nước thiết lập Hội đồng kiểm toán để tư vấn đưa ra kết luận cuối cùng. Với các quy định về quy trình thủ tục chặt chẽ đã bảo đảm được chính quy, bài bản, thuận tiện trong theo dõi, đào tạo. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, nhật ký kiểm toán viên - một trong những sáng kiến trong ngành kiểm toán và cơ chế kiểm soát lại chất lượng, hoạt động kiểm toán đã được Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) đánh giá cao.
Do đó, đối với trình tự, thủ tục thanh tra, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Đừng sợ dài luật, đừng ngại quy định trình tự thủ tục cụ thể làm dài thêm luật. Nếu thêm vài trang luật mà công khai, minh bạch, đầy đủ, làm căn cứ vững chắc trong tổ chức thực hiện thì sẽ tốt hơn.”
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra và thanh tra viên, cần phân định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan nhà nước với trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra và từng thành viên trong Đoàn thanh tra viên; đảm bảo từng chủ thể thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đây là những nội dung luật cần cụ thể hóa, tránh can thiệp, ảnh hưởng đến tính khách quan, chính xác của kết luận thanh tra và phòng ngừa sơ hở, tiêu cực.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội tán thành cao với việc bỏ thanh tra thường xuyên và chỉ rõ, qua tổng kết thực tiễn cho thấy thực chất thanh tra thường xuyên chính là hoạt động kiểm tra. Trong khi đó, hoạt động kiểm tra là hoạt động thường xuyên của các cơ quan chức năng trong bộ máy nhà nước, lãnh đạo quản lý phải có kiểm tra gắn với các nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện, nắm tình hình. Nếu tiếp tục duy trì hình thức thanh tra thường xuyên sẽ trùng lặp với kiểm tra.
Chủ tịch Quốc hội ủng hộ với việc không quy định về thanh tra Nhân dân trong luật này mà quy định trong Luật Dân chủ cở sở. Đây cũng là nội dung được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này./.