Triển khai chủ trương của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững", tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ICC (số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội). Ngoài 01 điểm cầu tại Phòng Thăng Long, Nhà Quốc hội, Hội nghị được kết nối trực tuyến với 57 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; một số điểm cầu cơ quan trong nước và nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam, cùng 02 điểm cầu quốc tế tại Pháp và Mỹ nhằm phục vụ sự quan tâm của đông đảo cử tri, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, Hội nghị "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững" còn được phát trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội quochoi.vn và website của Diễn đàn tại địa chỉ https://diendankinhte.quochoi.vn
Đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống
Trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta vẫn đang chịu tác động mạnh mẽ và tiêu cực của dịch COVID-19, đặc biệt từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư, đã ảnh hưởng cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến tất cả các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, nguy cơ, thách thức về lạm phát, thiếu nguyên, vật liệu đầu vào, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, lao động việc làm, an sinh xã hội, an ninh, trật tự xã hội… Tăng trưởng GDP Quý III năm 2021 giảm sâu chưa từng có (-6,17%), sản xuất của doanh nghiệp bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lao động, việc làm, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã xác định: Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%. Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã xác định mức bội chi ngân sách nhà nước tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Họp báo trong nước và quốc tế về chương trình “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững”
Tại cuộc họp báo về chương trình “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn đã nhấn mạnh, để thực hiện thành công các nghị quyết của Quốc hội, cấp thiết, khẩn trương phải có các chính sách hỗ trợ cả về kinh tế và xã hội trên cơ sở phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của đất nước để bảo vệ thành quả đã đạt được trong thời gian qua, tránh nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới, đạt được các mục tiêu trước mắt cũng như trong dài hạn.
Cũng tại buổi họp báo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, với tinh thần chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học để bàn về các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu này.
Trong đó, một yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại các cuộc làm việc là phải đánh giá tác động chính sách hết sức kỹ lưỡng, đánh giá đúng, trúng tác động của đại dịch đối với kinh tế - xã hội ở trong nước, xác định được mức độ thiệt hại và khả năng phục hồi của nền kinh tế, xác định lĩnh vực cần tập trung hỗ trợ để phục hồi và phát triển, xác định lĩnh vực có tiềm năng như kinh tế số, công nghệ thông tin…để có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tác động lan tỏa đối với nền kinh tế. Đặc biệt, các giải pháp ngắn hạn cũng phải đặt trong tổng thể dài hạn, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững, không đưa ra các chính sách có thể giúp phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, trước mắt nhưng lại gây bất ổn vĩ mô trong dài hạn. Trên cơ sở đánh giá tác động và phân tích dư địa của chính sách tài chính, tiền tệ mới có thể xác định rõ các nguyên tắc, quy mô, liều lượng, trọng tâm của chính sách tập trung vào các lĩnh vực nào, phân bổ vào đâu và đề xuất cụ thể về phương thức huy động nguồn lực, các giải pháp liên quan đến lĩnh vực tài chính, tiền tệ.
Xuất phát từ mong muốn và nhu cầu thực tiễn, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 được hình thành với mục tiêu “phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Thông qua Diễn đàn sẽ có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới.
Đánh giá toàn diện các vấn đề kinh tế và xã hội
Diễn đàn được chia thành 02 Phiên: Phiên toàn thể buổi sáng, Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều gồm 02 chuyên đề, chuyên đề 01 về “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và chuyên đề 2 về “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần này mở rộng về nội dung, quy mô, không chỉ về các vấn đề kinh tế, mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường. Hướng đến đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó đối với dịch COVID-19 và kết quả. Làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của dịch COVID-19 với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của COVID-19; xu hướng sản xuất, kinh doanh thay đổi do tác động của dịch bệnh; nghiên cứu các chính sách ứng phó với dịch COVID-19 đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam;
Đồng thời, đưa ra các gợi ý về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội (đối tượng, phạm vi, quy mô…); huy động và sử dụng tối đa, đồng bộ, hiệu quả nguồn lực; thực hiện linh hoạt, phù hợp, tận dụng tối đa những dư địa của của nền kinh tế; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế thực hiện cụ thể với nguồn lực kèm theo. Đề xuất giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách tác động ngay, một số chính sách dài hạn tác động đến động lực tăng trưởng nền kinh tế, cũng như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và một số ngành, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên… gắn kết hữu cơ với giải quyết các vấn đề xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng cho biết mục đích của Diễn đàn là phát huy tối đa, tập hợp đầy đủ trí tuệ, đóng góp của các đại biểu Quốc hội các khóa, của người dân và cử tri, cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời tập hợp hình thành và khai thác mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, mạng lưới sáng kiến Quốc hội Việt Nam trong và ngoài nước, để góp phần nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội.
Tiếp tục khẳng định một Quốc hội đổi mới, linh hoạt, chủ động và đồng hành
Ngày 25/11, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội về chuẩn bị các nội dung trình tại kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV và đã có kết luận về việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021
Diễn đàn lần này được tổ chức sẽ góp phần tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; các cơ quan của Quốc hội trong tăng cường giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết; nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhất là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài nguyên, môi trường, lao động, việc làm…
Góp phần đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; triển khai các nghị quyết của Quốc hội; nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, khả thi của các đạo luật…
Phát huy tối đa, tập hợp được đầy đủ trí tuệ, đóng góp không chỉ của các vị đại biểu Quốc hội mà đông đảo Nhân dân, cử tri; thu hút, hình thành mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước, các chuyên gia của các tổ chức quốc tế; hình thành các luận cứ khoa học, thực tiễn có chất lượng, là đầu vào quan trọng để các cơ quan của Quốc hội tham vấn trong quá trình xây dựng báo cáo ý kiến đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và các chức năng, nhiệm vụ khác theo quy định.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về kinh tế, xã hội vào cuối tháng 9/2021 vừa qua tại Nhà Quốc hội. Mặc dù quy mô và phạm vi nhỏ hơn nhằm phục vụ các cơ quan của Quốc hội xây dựng các báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 nhưng cuộc Tọa đàm được các chuyên gia đánh giá là hiệu quả, thực chất.
Là một trong những hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Diễn đàn, Tọa đàm “Tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội” tổ chức ngày 27/9/2021 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với sự tham gia đông đảo của các tổ chức, các ngành, các cấp và chuyên gia đã cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận, đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước… đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận, được dư luận đánh giá cao.
Trước thềm Diễn dàn, các chuyên gia kỳ vọng Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 sẽ là diễn đàn cởi mở, đa chiều, phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, cung cấp các luận cứ khoa học, thực tiễn có chất lượng cho các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tham mưu để Quốc hội đưa ra những quyết sách đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Việc các cơ quan của Quốc hội triển khai chủ trương tổ chức diễn đàn kinh tế thường niên thể hiện cam kết mạnh mẽ của Quốc hội trong nỗ lực đồng hành với đất nước, khơi dậy niềm tin để vững vàng vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng nhằm phục vụ hiệu quả cho các quyết sách của Quốc hội về gói chính sách tài khóa, tiền tệ (hỗ trợ cho Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ) dự kiến sẽ được bàn thảo tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội trong thời gian tới./.