Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV
Nhấn mạnh các nội dung của phiên họp lần này để chuẩn bị một bước cho Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời cũng nhằm triển khai chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội cùng các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở một số vấn đề để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận.
Cần tạo ra bước chuyển biến căn bản trong công tác thi đua, khen thưởng
Đối với công tác lập pháp, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án luật này là sản phẩm đầu tiên về công tác lập pháp trong nhiệm kỳ khoá XV. Do đó, đây là cơ hội để cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thực hiện được lời hứa, hiện thực hóa chương trình hành động tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nâng cao chất lượng công tác lập pháp phải gắn với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương về công tác lập pháp theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan liên quan đến công tác chuẩn bị, trình, thẩm tra các dự án luật.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này phải khắc phục được hai khuynh hướng là luật ống luật khung và tình trạng quy định cứng, chi tiết những vấn đề chưa đủ rõ, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa các quy định của pháp luật. Dự án Luật cần cụ thể hóa, thể chế hóa được chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Chỉ thị 34-CT/TW năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng, sau khi sửa đổi luật tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt, chuyển biến trông thấy trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước và khen thưởng của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua, khen thưởng, phải chú trọng hướng về cơ sở đối với công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh, sự quan tâm khen thưởng kịp thời nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Mặt khác, phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm kịp thời, minh bạch, công khai, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định.
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: làm sao thi đua, khen thưởng bao quát được toàn bộ hệ thống chính trị để đảm bảo tính công bằng với tính phổ quát. Khắc phục tình trạng khen thưởng theo kiểu gối đầu, tích lũy thành tích để khen, tổ chức định hướng việc xây dựng thành tích của cá nhân, thậm chí là nhường nhịn nhau thì được khen thưởng, tình trạng chạy danh hiệu chạy giấy khen; cùng với đó, khắc phục tình trạng hành chính hóa đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể xã hội, các khối thi đua. Chủ tịch Quốc hội lưu ý đây là những vấn đề cần được xem xét thật kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, làm sao đó phải bao quát phổ cập được giữa khu vực công, khu vực tư. Tuy nhiên hiện nay chưa điều chỉnh được việc các tổ chức, các hiệp hội đặt ra các danh hiệu, khen thưởng, xảy ra tình trạng đóng tiền để mua danh hiệu. Vì vậy, nhân cơ hội sửa đổi, bổ sung luật lần này để tạo ra bước chuyển biến căn bản trong công tác thi đua, khen thưởng. Từ đó đặt ra trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, của cơ quan thẩm tra thực hiện nghiêm trình tự xây dựng pháp luật, tập trung ngay từ đầu cho các dự án luật, đánh giá được là nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ đâu là do quy định của pháp luật, đâu là do tổ chức thực hiện để có sử đổi, bổ sung phù hợp. Đối với những vấn đề mới cần phải dựa trên cơ sở bằng chứng, cơ sở lý luận, thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần áp dụng một cách nghiêm ngặt trình tự xây dựng pháp luật để tránh tình trạng Chính phủ đã giao cho Bộ, Bộ trưởng giao cho Thứ trưởng, Thứ trưởng giao cho vụ, vụ giao cho chuyên viên; rồi tình trạng thẩm tra hời hợt dẫn đến luật ban hành xong lại bắt đầu sửa.
Lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Về công tác giám sát, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” và “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, bên cạnh xem xét thành lập Đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cần cho ý kiến đối với việc xây dựng đề cương, kế hoạch tổ chức thực hiện. Chỉ tịch Quốc hội nhấn mạnh: điều quan trọng là tổ chức thực hiện, huy động sự tham gia của các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân địa phương. Để qua giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tạo chuyển biến giải quyết triệt để những vụ việc tồn đọng, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Trước tình trạng khiếu nại tố cáo kéo dài, hiện còn đến hơn 500 vụ việc phức tạp, trong đó phần lớn liên quan đến đất đai, tài nguyên môi trường, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là một bước để tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát tối cao. Từ nay, công tác dân nguyện, công tác giải quyết khiếu nại, tiếp công dân sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét định kỳ hàng tháng chứ không phải chỉ đến kỳ họp Quốc hội mới xem xét. Từ đó, kiên trì từng ngày, từng tháng để tạo ra được sự chuyển biến căn cơ trong công tác dân nguyện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV khai mạc phiên họp thứ 2
Làm sao để kỳ họp sau tốt hơn kỳ họp trước
Về nội dung xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là nội dung thuộc thẩm quyền ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tính toán cụ thể nhu cầu, khả năng của từng địa phương, từng bộ, từng ngành và trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết về ngân sách, làm căn cứ cho việc xây dựng dự toán ngân sách của năm 2022 và cả giai đoạn 2022-2025. Cho biết đây là nội dung rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung nghiên cứu kỹ về lĩnh vực này, gắn với tình hình thu, chi ngân sách, quyền và nghĩa vụ của các bộ, ngành, địa phương, mối quan hệ với ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong khung tổng thể về kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công của 5 năm đã được Quốc hội thông qua
Về việc xem xét ban hành Nghị quyết quy định Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết quy chế làm việc mẫu này là cơ sở để Hội đồng dân tộc, các cơ quan của Quốc hội thực hiện một cách nhất quán, thống nhất theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội. Qua nghiên cứu, rà soát cho thấy hiện nay Hội đồng dân tộc và các cơ quan Quốc hội không có sự thống nhất trong cơ cấu tổ chức nhất là việc thành lập tiểu ban.
Do đó, quy chế làm việc mẫu sẽ xác định việc thành lập các tiểu ban, hoạt động của các tiểu ban, trách nhiệm, vai trò của đại biểu Quốc hội nhất là đại biểu Quốc hội không chuyên trách. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tránh tình trạng đại biểu không chuyên trách đăng ký vào các Ủy ban thì nhiều nhưng tham gia thì ít hoặc không tham gia thì không thể nào bảo đảm được nguyên tắc hoạt động Quốc hội là biểu quyết tập thể và quyết định theo đa số. Chủ tịch Quốc hội cho biết đây sẽ một bước đổi mới so với nhiệm kỳ trước, đảm bảo nhất quán trong cơ cấu tổ chức, hiện thực hóa chương trình hành động của Quốc hội.
Về đánh giá, tổng kết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV có khối lượng công việc nhiều hơn, chất lượng cao hơn nhưng lại rút ngắn được thời gian nhiều hơn, rút ngắn 3 ngày so với chương trình đã quyết định tại Phiên trù bị, giảm đến 8 ngày so với dự kiến ban đầu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ bài học nào để cho thấy tại sao chỉ trong một thời gian rất ngắn, không có chương trình trước nhưng Quốc hội vừa bổ sung, vừa quyết định việc đại sự là trao quyền cho Chính phủ và Thủ tướng những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, đặc cách để đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 đang rất phức tạp hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần làm rõ những bài học nào cần rút ra để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ hai theo tinh thần kỳ sau phải tốt hơn kỳ trước. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bước đầu về nội dung, về hình thức tổ chức trực tuyến toàn phần hay trực tiếp toàn phần hay kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Về nội quy kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, nghiên cứu về đề án đổi mới nội dung của Kỳ họp và có những nội dung sẽ trình với Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai cho áp dụng thí điểm ngay, trong đó có nội dung về biểu quyết trực tuyến.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các thành viên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ và phát biểu sôi nổi, liên tục để có chất lượng cao nhất. Phát huy tinh thần, trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong trình, thẩm tra, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, để làm cho chất lượng hoạt động của Quốc hội được đổi mới, nâng cao ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ./.