CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ LÀM VIỆC VỚI ỦY BAN TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH

22/04/2021

Chiều 22/04, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Tham dự có Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cùng Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, đại diện các cơ quan thuộc Văn phòng Quốc hội và Vụ Tài chính, Ngân sách.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo chương trình kế hoạch từ tháng 4 đến đầu tháng 5, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội làm việc với Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lắng nghe kỹ hơn, nắm rõ các ý kiến của từng Ủy ban, tâm tư, nguyện vọng đối với từng hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã đạt được kết quả tốt đẹp trên nhiều phương diện, lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và công tác đối ngoại. Điều đó đã tạo nền tảng tốt đẹp cho các khóa sau, tuy nhiên cũng tạo ra áp lực rất lớn để Quốc hội cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu của Đảng, kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, thời gian tới, Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp để xem xét, quyết định việc nghiên cứu, học tập triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội để thực hiện Nghị quyết này. Trong quý III và quý IV, Bộ Chính trị đã có 5 đoàn công tác kiểm tra tình hình quán triệt, triển khai, xây dựng chương trình hành động này ở các đảng bộ trực thuộc, trong đó có Đảng đoàn Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Nghị quyết của Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV cũng nêu rõ, có 8 điểm rất quan trọng để Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lương hoạt động, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Trong tháng 4, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã có Báo cáo số 2347 về kết quả công tác của Ủy ban nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và dự kiến các nhiệm vụ trọng tâm  năm 2021.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn trình bày Báo cáo về kết quả công tác của Ủy ban nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV 

Tại buổi làm việc, thay mặt Ủy ban, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn trình bày Báo cáo tóm tắt về kết quả công tác của Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và dự kiến những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Ủy ban.

Về cơ cấu tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Hữu Toàn cho biết, theo quy chế hoạt động, Ủy ban TCNS được chia thành 4 Tiểu ban (Tiểu ban Tổng hợp dự toán ngân sách và phối hợp chính sách; Tiểu ban Đầu tư công; Tiểu ban Chính sách thu ngân sách và thị trường tài chính; Tiểu ban Quyết toán và kiểm toán). Việc phân chia thành 4 Tiểu ban tạo sự chủ động và chuyên sâu theo từng lĩnh vực, phát huy năng lực cá nhân, trí tuệ tập thể do tính chất đặc thù phải thẩm tra nhiều báo cáo có nội dung tổng hợp, phức tạp liên quan đến tài chính, ngân sách.

Đối với vấn đề xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Hữu Toàn khẳng định, Ủy ban đã chủ động làm việc trước với các cơ quan liên quan; tiến hành khảo sát, giám sát tình hình thực tế khi thẩm tra những nội dung Ủy ban được phân công chủ trì để đảm bảo đủ thời gian tiếp cận vấn đề để nâng cao chất lượng báo cáo của Ủy ban.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Quốc hội và UBTVQH giao, hàng năm khối lượng công việc do Ủy ban chủ trì và tham gia thẩm tra lớn. Mặc dù chịu áp lực về thời gian, tiến độ và khối lượng công việc nhưng do có sự chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch nên Ủy ban TCNS đã hoàn thành có chất lượng và kịp thời.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS nêu rõ, công tác xây dựng pháp luật luôn được Ủy ban xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, NSNN. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban TCNS được chủ trì nhiều dự án luật có tính chất quan trọng, phức tạp như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Luật Quản lý thuế…. Đây là những luật có vai trò quan trongh; góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính theo Hiến pháp năm 2013, tăng cường quản lý chặt chẽ thu, chi NSNN, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính công, tài sản công.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban TCNS đã tham mưu, giúp Quốc hội, UBTVQH trong việc xem xét, quyết đinh nhiều vấn đề quan trọng thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách nhà nước, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện những định hướng lớn của Đảng về phát triển kinh tế, xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại tài chính, NSNN, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Về công tác giám sát, khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Hữu Toàn cho biết, hàng năm Ủy ban tổ chức 2 đợt giám sát chuyên đề phục vụ cho công tác thẩm tra báo cáo Quốc hội tại 2 kỳ họp. Nội dung báo cáo giám sát được tổng hợp, phân tích kỹ lưỡng, thận trọng; các nhận định, đánh giá có tính thuyết phục, phản ánh sát tình hình thực tế, các kiến nghị của Ủy ban TCNS đã được UBTVQH xem xét, được Chính phủ và các đối tượng được giám sát tiếp thu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Hữu Toàn đã nêu lên một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân như việc phân chia thành 4 Tiểu ban bảo đảm việc chuyên môn hóa cao song đôi khi còn khó khăn trong phối hợp giữa các Tiểu ban, nhất là những nội dung tài liệu gửi muộn, yêu cầu thẩm tra gấp.

Công tác thẩm tra một số dự án luật và các vấn đề về ngân sách đôi khi còn thiếu thông tin, căn cứ thực tế, chủ yếu dựa trên báo cáo của Chính phủ do không đủ thời gian để tổ chức hội thảo, lấy ý kiến tham vấn, khảo sát… nhất là các vấn đề khác nhau giữa các cơ quan liên quan.

Việc tổ chức giám sát thực hiện các kiến nghị của các Đoàn giám sát còn hạn chế. Hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách nhà nước còn hạn chế, chưa tổ chức được cuộc giám sát chuyên đề.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban TCNS đề nghị Chủ tịch Quốc hội ủng hộ và chỉ đạo một số vấn đề như: Hoàn thiện cơ cấu của Thường trực Ủy ban khóa XV theo định hướng đã được Đảng đoàn Quốc hội đề nghị gồm: 01 Chủ nhiệm Ủy ban, 05 Phó Chủ nhiệm Ủy ban, 05 Ủy viên Thường trực Ủy ban và 01 Ủy viên chuyên trách Ủy ban; Có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là việc liên thông, kết nối các thông tin liên quan đến ngân sách nhà nước, đầu tư công, kiểm toán Nhà nước….

Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban TCNS đã hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác của Ủy ban nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Phấn đầu hướng đến một Quốc hội chuyên nghiệp, hiệu quả, Ủy ban TCNS cũng không ngoại lệ, phấn đấu phát huy dân chủ.

Qua kinh nghiệm thực tiễn điều hành, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cho biết, việc hình thành các Tiểu ban là cần thiết và vẫn nên duy trì; các vấn đề tài chính, dự toán, quyết toán, vấn đề tổ chức giúp việc là Vụ TCNS cần tập hợp các chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực này để tham gia tư vấn, trợ giúp cho Ủy ban.

Về quy chế làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng việc đưa ra quy chế làm việc là cần thiết, do vậy nên để cho các Ủy ban căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng Ủy ban tự đưa ra quy chế làm việc. Bên cạnh đó, Vụ chuyên môn rất quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội kiến nghị không nên giới hạn biên chế quá thấp cho các vụ giúp việc. Dù có giảm biên chế nhưng chuyên viên giỏi thì cần tăng cường hơn nữa nhằm giải quyết các vấn đề khó, phức tạp.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS cho rằng vấn đề khó nhất là sự phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Kiểm toán Nhà nước, do vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với Chính phủ và các bộ này. Đồng thời đề nghị tổng hợp đầy đủ tất cả báo cáo giám sát của 63 đoàn ĐBQH, tổng hợp các ý kiến để Ủy ban có thể tham khảo và thu thập thông tin. Đồng thời đề nghị nghiên cứu cung cấp thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến Quốc hội điện tử, quản lý dữ liệu quốc gia, truy cập vào cơ sở dữ liệu của các bộ ngành. Tất cả các đại biểu Quốc hội đều có thể truy cập vào các báo cáo kiểm toán một cách công khai, minh bạch, kết nối các thông tin liên quan đến ngân sách nhà nước, đầu tư công…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận cuộc làm việc với Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

Phát biểu kết luận phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của các đại biểu phát biểu, những ý kiến này đều mang tính xây dựng và chuyên sâu về chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô. Đây là những vấn đề rất quan trong và hữu ích cho các cơ quan hữu quan.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của Ủy ban TCNS, và cho rằng, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV thành công trên nhiều phương diện như lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, công tác đối ngoại. Trong thành công chung đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Ủy ban TCNS đóng vai trò quan trọng. Bởi đầu nhiệm kỳ khóa XIV, tình trạng nơ công cao, thu chi mất cân đối, tình trang lạm phát cao, cuối nhiệmu kỳ đã khắc phục được các vấn đề này.

Hàng năm, Ủy ban TCNS đã làm tốt các vấn đề thẩm định, giám sát chuyên đề, phục vụ cho UBTVQH bằng các cuộc giám sát lớn như giám sát về quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài; giám sát về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.

Về đối ngoại, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Ủy ban TCNS đã thiết lập được cơ chế hợp tác với Quốc hội 4 nước là Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar nhằm chia sẻ kinh nghiệm về quản lý và giám sát ngân sách do các nước luân phiên tổ chức 2 năm/lần. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban TCNS tiếp tục duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác này trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thời gian tới, Ủy ban TCNS cần xây dựng đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu, đồng thời cần có chiến lược xây dựng pháp luật để tiếp tục thể chế hóa, chiến lược cải cách tư pháp. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ cần có khung định hướng, chiến lược dài hạn 5 năm đến 10 năm.

Với những vấn đề cấp bách trước mắt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban TCNS cần kiên quyết thực hiện ngay nếu không sẽ gây tồn đọng như kế hoạch dầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm, chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch vay trả nợ 5 năm, vấn đề chuyển vốn từ vay thành cấp phát, giải quyết các vấn đề yếu kém còn thua lỗ, tái cơ cấu…. Đồng thời đề nghị Ủy ban rà soát lại và chủ động nghiên cứu sớm để giải quyết các vấn đề tồn đọng này.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu đã nêu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng vẫn còn nhiều nội dung Ủy ban cần quan tâm giải quyết như nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo hoạt động của các ĐBQH; cơ chế, chính sách cho chuyên gia, cộng tác viên tham gia tư vấn các vấn đề chuyên môn của Ủy ban; chiến lược xây dựng pháp luật cần chủ động hơn, sớm hơn, có sự phối hợp với các cơ quan hữu quan như Chính phủ và các bộ, ban ngành, cần có cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề tồn đọng./.

Bích Ngọc - Minh Thành