CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: BẢO ĐẢM TÍNH TƯƠNG THÍCH, ĐỒNG BỘ CỦA CÁC QUY ĐỊNH TRONG CHÍNH LUẬT ĐẤT ĐAI VÀ VỚI CÁC LUẬT LIÊN QUAN

09/06/2023

Sáng 09/6, theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Thảo luận tại Tổ 04, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết một trong những nội dung được UBTVQH và ĐBQH quan tâm nhất trong các lần thảo luận trước đây là tính khả thi và sự tương thích của hệ thống pháp luật. Chỉ rõ các nội dung chưa thống nhất giữa các luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kĩ lưỡng.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 04 VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ ĐỂ THÁO GỠ VƯỚNG MẮC TRONG THỰC TIỄN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 04

Tổ 04 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng

Tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và cử tri về dự thảo Luật Đất đai trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận dự thảo Luật đã có sự thay đổi cơ bản về chất so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 4.

Theo đó sau khi được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng như việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân thành công với hơn 12 triệu lượt ý kiến. Chủ tịch Quốc hội cho biết ý kiến góp ý của Nhân dân không chung chung mà góp ý rất cụ thể, có phân tích và chỉ rõ những điểm không hợp lý, đề xuất đến từng điều khoản. Trên cơ sở đó, dự án Luật Đất đai trình Quốc hội lần này được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, kĩ lưỡng với dung lượng đồ sộ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, một trong những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội quan tâm nhất trong các lần thảo luận trước đây là tính khả thi và sự tương thích của hệ thống pháp luật.

Theo rà soát của Chính phủ thì có ít nhất hơn 20 luật có liên quan trực tiếp đến dự luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có 3 dự luật đang được Quốc hội cho ý kiến sửa đổi tại Kỳ họp này gồm dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và 1 dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thảo luận và thống nhất xử lý theo phương án ngoài 3 dự án Luật đang trình Quốc hội tại Kỳ họp này, nếu có luật nào liên quan phải sửa đổi thì tích hợp sửa ngay trong dự thảo Luật Đất đai thay vì áp dụng quy trình một luật sửa nhiều luật như với Luật Quy hoạch trước đây.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nếu như trình một luật sửa nhiều luật thì sẽ phải áp dụng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo đó, phải đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, thiết kế và thẩm tra chính sách, rồi trình và thẩm tra dự án…như vậy sẽ kéo dài quá trình. Khi đó, trường hợp Luật Đất đai được thông qua mà luật sửa nhiều luật liên quan chưa xong thì ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi pháp luật. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho quan điểm rõ ràng về vấn đề này khi thảo luận tại hội trường.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận Tổ

Phân tích, chỉ rõ một số điều khoản, quy định còn mâu thuẫn ngay trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoặc mâu thuẫn với các luật khác, đặc biệt là các Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở… Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hơn, để bảo đảm tính khả thi và minh bạch, dễ áp dụng của các điều luật.

Liên quan đến Luật Nhà ở, dự thảo Luật Đất đai thay đổi theo hướng là chuyển từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất và sẽ được xem xét miễn, giảm tiền sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cũng trong chính dự thảo Luật này có quy định sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội trong các trường hợp được giao đất không thu tiền sử dụng đất. Như vậy liên quan đến vấn đề đất để xây dựng nhà ở xã hội là ngay trong chính luật này đã không bảo đảm tương thích và đồng bộ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị có rà soát các nội dung này.

Liên quan đến Luật Đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội cho biết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định là trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá, đấu thầu trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng kí. Như vậy quy định này theo hướng chỉ có 1 nhà đầu tư thỏa mãn các điều kiện thì người tổ chức đấu thầu chấp nhận luôn. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký đã không đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu mà nay dự thảo Luật quy định theo hướng chấp nhận nhà đầu tư ngay thì không phù hợp, cần rà soát để bảo đảm tương thích, minh bạch.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân dự phiên thảo luận Tổ

Liên quan đến Luật Đầu tư, Chủ tịch Quốc hội cho biết theo quy định của Luật Đầu tư về  đấu giá quyền sử dụng đất thì trước khi đấu giá quyền sử dụng đất thì dự án phải có quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư. Trong đó quyết định chủ trương đầu tư có đầy đủ nội dung về thời hạn hoàn thành và thẩm quyền điều chỉnh là của chủ đầu tư. Tuy nhiên dự thảo Luật Đất đai lại quy định theo hướng người trúng đấu giá phải bảo đảm hoàn thành dự án theo tiến độ đã ghi trong phương án đấu giá quyền sử dụng đất. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, nếu thực hiện quy định này trong thực tế nếu cần phải điều chỉnh dự án thì sẽ ách tắc hết, không thể thực hiện được vì luật này mâu thuẫn với luật kia. Đồng thời, cần phải rà soát lại để đảm bảo tính tương thích, đồng bộ ngay trong các điều khoản của Luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác