CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG NHẰM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ XIII

19/04/2021

Tại buổi làm việc với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào sáng 19/4, của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Tư pháp nghiên cứu, xây dựng một đề án về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban. Đề án này sẽ nằm trong chương trình hành động chung của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo Quốc hội với cơ quan của Quốc hội sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV nhằm tiếp tục lắng nghe ý kiến, đề xuất của các cơ quan của Quốc hội về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và chuẩn bị cho việc xây dựng Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ủy ban Tư pháp

Tại cuộc làm việc với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những vấn đề đang đặt ra đối với hoạt động của Ủy ban; đồng thời nêu một số kiến nghị cụ thể liên quan đến: vấn đề tổ chức, cơ cấu Ủy ban; về đổi mới tư duy lập pháp; giám sát lĩnh vực tư pháp, trong đó có giám sát các vụ án cụ thể, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cơ chế huy động chuyên gia tham gia các hoạt động của Ủy ban, nhất là việc tham gia, đóng góp ý kiến để Ủy ban thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, đề án đòi hỏi tính chuyên sâu rất cao thuộc lĩnh vực phụ trách; tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội có thể thực hiện được quyền trình sáng kiến lập pháp...

Sau khi nghe báo cáo về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ và các ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, đa dạng của các thành viên Thường trực Ủy ban Tư pháp. Từ thực tiễn hai khóa tham gia Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Ủy ban Tư pháp có vai trò nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội, phụ trách các lĩnh vực tư pháp, nhiều mảng việc khó, từ việc thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý các dự án luật thuộc lĩnh vực tư pháp, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp đến phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo, thi hành án... Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Ủy ban Tư pháp khóa XIV đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đồng thời, mong muốn Ủy ban tiếp tục phát huy tinh thần này trong thời gian tới.

Các Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại buổi làm việc

Nêu một số vấn đề cần lưu ý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp rà soát lại quy chế làm việc, chương trình công tác của Ủy ban trong năm 2021 cho phù hợp với các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cũng như các quy định mới của Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); cần nghiên cứu để có mô hình thống nhất giữa các cơ quan của Quốc hội về việc thành lập các Tiểu ban hay Nhóm công tác về thành phần, tính pháp lý, địa vị pháp lý...

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó được đo lường bằng chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Ủy ban; đồng thời đề nghị Ủy ban Tư pháp nghiên cứu, xây dựng một đề án về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban, phù hợp với tính chất đặc thù trong lĩnh vực hoạt động. Trên tinh thần mỗi cơ quan của Quốc hội sẽ có một đề án riêng nằm trong chương trình hành động chung của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Cùng với đó, Ủy ban Tư pháp cần sẵn sàng tâm thế cho việc tham gia cùng với Đảng đoàn Quốc hội xây dựng dự thảo Nghị quyết để trình Ban Chấp hành Trung ương về việc tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tiếp tục nghiên cứu, làm đầu mối giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội tăng cường phối hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội với các cơ quan tư pháp.

Theo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng, nỗ lực thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, tính đúng đắn và tuân thủ pháp luật trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, các cơ quan hữu quan, tạo sự chuyển biến tích cực trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần bảo đảm mục tiêu của cải cách tư pháp ở nước ta là: xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Với chức năng là cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đã không ngừng đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động, tổ chức triển khai toàn diện, có hiệu quả các mặt công tác thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, thực hiện tốt chế độ làm việc tập thể, đoàn kết, phát huy dân chủ, tổ chức công việc kịp thời, linh hoạt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiến độ công việc, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; cá nhân từng thành viên Ủy ban đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thể hiện được bản lĩnh công tác, vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đã đóng góp quan trọng vào sự thành công của Uỷ ban Tư pháp trong nhiệm kỳ, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Quốc hội. Bằng hoạt động thực tiễn, Uỷ ban Tư pháp đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, uy tín của mình trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy nhà nước.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy các cơ quan tư pháp nhằm đáp ứng chủ trương của Đảng trong tinh giản bộ máy tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường đồng bộ các phương thức, hình thức giám sát, tính công khai trong hoạt động giám sát. Tăng cường hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban.

Đề nghị Uỷ ban Tư pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trên cơ sở kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm và kết quả đã đạt được từ các nhiệm kỳ trước, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan trong quá trình hoạt động để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình./.

Bảo Yến