ĐỒNG CHÍ TRẦN THANH MẪN: LIÊN KẾT, TÍCH HỢP ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG ĐỒNG BẰNG CỬU LONG
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Kính thưa đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành Ủy, Trưởng đoàn đại biểu QH Thành phố Cần Thơ.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố Cần Thơ và các tỉnh Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long,
Thưa các vị khách quý, quý vị đại biểu,
Hôm nay tôi rất vui mừng đến tham dự Diễn đàn Mekong Connect 2022. Trước tiên, Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi lời chào, lời chúc sức khỏe tới các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý, quý vị đại biểu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương, địa phương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn..
Đây là diễn đàn kinh tế thường niên lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ra đời từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết cấp vùng của 4 tỉnh là An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp và sau đó có thêm thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đánh giá cao Diễn đàn năm nay với chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”, đây là nội dung được nhiều tỉnh, thành trong cả nước nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt được yêu cầu này sẽ tạo động lực, đưa kinh tế xã hội của các địa phương và toàn vùng bứt phá, sau đại dịch Covid-19, theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mới ban hành trong thời gian gần đây.
Thưa quý vị đại biểu,
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc", cửa ngõ phía Tây Nam của đất nước, bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích khoảng 40,6 nghìn km2; dân số vùng khoảng 17,5 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Vùng được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước; là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới. Đồng thời, trong vùng cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời…Đặc biệt thời gian qua Nhà nước đã và đang tiếp tục đầu tư một số tuyến cao tốc: Trung lương - Mỹ Thuận ; Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cần Thơ - Cà Mau ; An Giang - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng ; Cầu Đại Ngải, Cầu Mỹ Thuận 2; Sân bay Quốc tế Cần Thơ; Cảng cái cui có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn….
Thưa quý vị đại biểu,
Để tiếp tục kích hoạt và phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, như :
(1) Nghị quyết số 13, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”;
(2) Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
(3) Quyết định số 287 ngày 28/2/2022 của Thủ tướng, phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;... đã thể hiện rõ, nhất quán, xuyên suốt chủ trương trọng tâm, trọng điểm, chiến lược của Đảng, Nhà nước là “Tập trung xây dựng quy hoạch vùng mang tính đột phá theo hướng tích hợp, đa ngành, hình thành chuỗi giá trị và triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng. Xây dựng chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh”.
Đặc biệt, ngày 18/01/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số: 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Ngoài các chính sách đã được Quốc hội cho phép thí điểm ở một số địa phương trong thời gian vừa qua, điểm mới của nghị quyết này là Quốc hội quyết định thí điểm thêm 2 chính sách đặc thù, quan trọng khác về thu hút đầu tư để xã hội hóa việc nạo vét cửa Định An đến các cảng Cần Thơ. Đồng thời đưa ra chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án vào trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Đây là cơ sở quan trọng gỡ nút thắt về luồng hàng hải và tiêu thụ nông sản - 2 lĩnh vực mũi nhọn của TP.Cần Thơ cũng như ĐBSCL thời gian qua.
Ngày hôm qua, 23/11/2022, tôi có thăm và làm việc vườn ươm công nghiệp cao Việt Nam - Hàn Quốc, có thể nói, sau 7 năm thành lập, vườn ươn ngày càng phát triển, khẳng định sự đúng đắn trong hợp tác toàn diện giữa hai chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc, nhằm tạo ra phát triển công nghệ, hỗ trợ phát triển và ươm tạo ra các doanh nghiệp có chất lượng cao, có nhiều sản phẩm ứng dụng thực tế trong cuộc sống…và càng phù hợp với sự liên kết, kết nối giữa các địa phương, các vùng trong khu vực.
Thưa quý vị đại biểu,
Trong 10 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh đất nước ta gặp không ít những khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và công tác xây dựng Đảng; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,83% mức cao nhất từ năm 2011 đến nay. Thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2%; vốn FDI thực hiện đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD; trên 178 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 58,3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, đất nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón, chi phí sản xuất, vận tải gia tăng.
- Đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, tỉ lệ giải ngân thấp và chưa có chuyển biến đáng kể. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; an toàn thông tin, an ninh mạng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới.
- Công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân vẫn phải đối mặt với việc thiếu nhân lực, thuốc và vật tư y tế. Tình trạng dịch bệnh, thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường.
- Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là công nhân, lao động tự do ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới.
Riêng đối với Vùng ĐBSCL, mặc dù có nhiều thế mạnh rõ rệt, song vùng đã và đang đối diện nhiều thách thức lớn nằm ở ba phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường:
(1) Nền nông nghiệp của vùng chậm hiện đại hóa, nguồn vốn đầu tư hạn chế; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ
(2) Tình trạng di cư, sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ vùng lên các đô thị và khu công nghiệp ở vùng Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân của cả nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận khoa học công nghệ còn thấp.
(3) Các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát do bị các hồ chứa giữ lại. Hệ quả là gây ra sạt lở bờ sông và làm đất bạc màu, nước mặn từ biển xâm lấn làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn…
Thưa quý vị đại biểu,
Tôi hy vọng, từ những kết quả nổi bật của vùng, sự quan tâm chỉ đạo phát triển, triển khai hạ tầng đã và đang đầu tư nêu trên, sự chủ động liên kết, kết nối của các địa phương và Đặc biệt thông qua diễn đàn này sẽ góp phần tạo động lực quan trọng tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế giúp khơi thông những “điểm nghẽn” tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới.
Tôi tin tưởng rằng, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của phong trào đồng khởi, khí phách anh hùng, thành đồng Tổ quốc và phẩm chất cao quý và tốt đẹp của người miền Tây; cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp uỷ, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và toàn Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần "Cả nước vì Đồng bằng sông Cửu Long - Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên cùng cả nước và vì cả nước".
Diễn đàn (Mekong connect năm 2022) đã đánh dấu bước phát triển mới trong việc mở rộng liên kết vùng với việc tham gia của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, tôi hy vọng rằng, Diễn đàn sẽ tiếp tục mở rộng nhiều địa phương tham gia hơn để phát huy tinh thần liên kết cùng phát triển, liên kết tạo nên thịnh vượng.
Một lần nữa, Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc Diễn đàn (Mê công con nếch 2022) thành công tốt đẹp và mang lại hiệu quả thiết thực.
Xin chân thành cám ơn các đồng chí, quý vị đại biểu./.