Kiên Giang: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Lễ Khai giảng năm học mới
* Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Lễ kỷ niệm.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Sáng 6.9, tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), đã diễn ra Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6.9.1902 - 6.9.2022) - người chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tiêu biểu và tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Quân khu 4; lãnh đạo các địa phương và tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ; các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động; đại diện dòng họ, thân nhân Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và thân nhân đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại làng Đông Thôn, Tổng Thông Lãng, Phủ Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên. Kế thừa truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương xứ Nghệ, người thanh niên giàu nhiệt huyết, bản lĩnh kiên cường đã tiếp bước truyền thống của lớp lớp cha anh dấn thân vào con đường cứu nước, cứu dân của Đảng và dân tộc ta. Sau nhiều năm hoạt động cách mạng oanh liệt, sôi nổi, đến năm 1940, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai tại quê hương, rồi đưa vào giam ở Khám Lớn (Sài Gòn) và bị kết án 5 năm tù, đày ra Côn Đảo. Tại đây, sau nhiều tháng ngày bị tra tấn dã man, sức khỏe suy kiệt, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6.9.1942. Trước khi hy sinh, Tổng Bí thư nhắn lại: "Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng". Tấm gương hy sinh bất khuất của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã truyền thêm niềm tin mãnh liệt, ý chí kiên cường cho đồng chí, đồng đội tiếp tục đấu tranh cho đến ngày cách mạng toàn thắng.
Trong diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đã ôn lại quá trình hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. 40 tuổi đời, gần 20 năm hoạt động liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã hiến dâng tất cả cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Lịch sử mãi khắc ghi công lao to lớn của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, tự hào, trân trọng biết ơn người con ưu tú của dân tộc và quê hương Nghệ An, lớp lớp cháu con càng thấu hiểu và khắc ghi những bài học cách mạng vô cùng quý giá cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước hiện nay.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Để kế tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong cùng các bậc tiền bối cách mạng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An tha thiết kêu gọi các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đoàn kết, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, nêu cao ý chí, khát vọng xây dựng và phát triển quê hương, đất nước giàu mạnh, văn minh; xây dựng tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo với tầm nhìn chiến lược, nỗ lực cao hơn nữa, quyết tâm lớn hơn nữa, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2025, Nghệ An trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc; năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, biến "Khát vọng sông Lam" thành "Kỳ tích sông Lam" trên quê hương của Bác Hồ kính yêu.
Cũng trong sáng 6.9, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu đã về Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An) dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
+ Chiều cùng ngày, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đã dâng hương, đặt vòng hoa tại Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ Thanh niên xung phong toàn quốc - nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sỹ Thanh niên xung phong trong cả nước và khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sỹ Thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
+ Trước đó, trong chiều 5.9, Chủ tịch Nước đã thăm, tặng quà người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo tỉnh Nghệ An; thăm Khu công nghiệp Việt Nam -Singapore (VSIP) tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.