TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN TẠI KỲ HỌP THỨ 8 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

13/07/2022

Sáng ngày 13/7/2022, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2021 – 2026. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu toàn văn:

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng

                 

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn 

 

- Thưa đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng,

- Thưa các đồng chí đại biểu các cơ quan Trung ương; thưa các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng,

- Kinh thưa các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng,

- Kính thưa cử tri và nhân dân các dân tộc của tỉnh Cao Bằng,

Trong không khí cả nước đang tổ chức các hoạt động tri ân nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, hôm nay, tôi rất vui mừng về dự kỳ họp thứ Tám Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khoá XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trước hết, thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, tôi xin gửi tới các vị đại biểu khách quý, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, cử tri và nhân dân trong tỉnh lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Nhân dịp này, tôi trân trọng gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các thương binh, bệnh binh, thân nhân Liệt sỹ, người có công với cách mạng của tỉnh Cao Bằng lời thăm hỏi ân cần, tỉnh cảm sâu lặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất.

Thưa quý đại biểu,

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp, có những yếu tố chúng ta dự báo được nhưng cũng có nhiều yếu tố phát sinh, đột xuất, đặc biệt là sức ép lạm phát rất cao, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, đứt gãy các chuỗi cung ứng…Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát, ủng hộ của Quốc hội, sự đồng tình của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ban ngành, địa phương, dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh. Các lĩnh vực về văn hóa, xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại phù hợp với tình hình mới.

Toàn cảnh Hội nghị 

Kinh tế đạt nhiều kết quả ấn tượng: GDP tăng 6,42%; thu ngân sách nhà nước đạt 932,9 nghìn tỷ đồng bằng 66,1% dự toán năm. Khách quốc tế đến nước ta đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 8,9%, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 185 tỷ USD, tăng 17,3%; kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 185 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với tỉnh Cao Bằng, tôi ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng trong thời gian vừa qua: đã tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã có nhiều đổi mới; các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ, y tế, việc làm tiếp tục đạt nhiều kết quả; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân; xây dựng nông thôn mới có nhiều cố gắng; quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường.

Trong bối cảnh chung khó khăn của cả nước và của tỉnh Cao Bằng, nhưng 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm của tỉnh tăng 5,46%; thu ngân sách ước đạt 2.542 tỷ đồng (đạt 157,9% kế hoạch năm). Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 423 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt số lượt khách và doanh thu du lịch đều tăng so với cùng kỳ năm trước, số lượt khách quốc tế tăng 82%. Có được kết quả đó, có sự đóng góp tích cực của Hội đồng nhân dân tỉnh, có nhiều đổi mới, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động. Các kỳ họp của Hội đồng nhân dân rất bài bản, chu đáo, kỹ lưỡng, chất lượng các Nghị quyết được nâng lên, sát với thực tiễn. Phương thức tổ chức giám sát được cải tiến; thông tin tuyên truyền được chú trọng. Vai trò của Hội đồng nhân dân ngày càng được khẳng định. Năm 2021, 2022 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là đồng chí Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm đến công tác Hội đồng nhân dân, đã tổ chức các hội nghị tổng kết, hội nghị giao ban các khu vực và đang xây dựng các văn bản hướng dẫn để tăng cường sự phối hợp và chất lượng hoạt động trong thời gian tới.

Thưa quý đại biểu,

Kế thừa, phát huy thành quả của các nhiệm kỳ trước, hoạt động của Quốc hội khóa 15 thời gian vừa qua tiếp tục nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm mọi quyết sách đều vì quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Công tác chuẩn bị được tiến hành từ sớm, từ xa để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp. Quốc hội đã tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất trong năm 2022; Ủy ban Thường vụ tiến hành họp chuyên đề. Công tác dân nguyện trước đây chỉ báo cáo tại kỳ họp của Quốc hội mỗi năm hai lần, nhưng hiện nay đã được báo cáo hằng tháng tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo được sự chuyển biến rất tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Có kế hoạch để 63 Hội đồng nhân dân và 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cùng tham gia các hoạt động giám sát, không chỉ tập trung giám sát vào khâu thực thi pháp luật mà cả việc ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật. Kết quả của Kỳ họp thứ ba vừa qua tiếp tục khẳng định Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức liên quan luôn lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, chủ động phối hợp để kịp thời đưa ra những quyết sách giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thưa quý đại biểu,

Cao Bằng là tỉnh khó khăn trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế còn thấp; công nghiệp phát triển chậm, quy mô nhỏ, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn ít; tốc độ tăng trưởng còn chậm so với tiềm năng, lợi thế; thu nội địa thấp (khoảng 23%); kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; thu nhập bình quân đầu người thấp so với bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo nằm trong tốp cao nhất của cả nước (42.751 hộ nghèo, 32,57%; 16.527 hộ cận nghèo 12,6%). Trong bối cảnh, 6 tháng cuối năm 2022 với nhiều thách thức, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19; tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các cấp, các ngành cần quan tâm một số nội dung trọng tâm sau đây:

Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt, tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, về tài chính, ngân sách, đầu tư công; các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phòng chống dịch COVID-19 theo phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai: Tiếp tục tập trung cao độ để phát triển sản xuất, kinh doanh và chủ động phòng chống dịch. Tăng cường giải ngân vốn đầu tư công; quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung chi đầu tư cho phát triển. Các sở, ngành cần tập trung, khẩn trương triển khai thực hiện công tác quy hoạch đảm bảo tiến độ. Đối với dự án đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) cần chủ động triển khai thực hiện, bám sát các bộ, ngành trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Cao Bằng cần phát huy bề dày lịch sử và văn hóa, bản sắc văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc; khai thác mạnh mẽ lợi thế về phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chú trọng đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch sáng - xanh - sạch - đẹp; phát huy có hiệu quả các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các giá trị văn hóa dân tộc độc đáo, khác biệt mang đậm bản sắc Cao Bằng như Thác Bản Giốc; Khu di tích lịch sử chiến thắng Đông Khê; Khu di tích mộ anh Kim Đồng; Núi Các Mác…

Thứ ba: Chủ động ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín, tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân. Bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, tạo nguồn cán bộ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Thứ tư:  Cao Bằng là tỉnh có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh khu vực phía Đông Bắc của Tổ quốc, vì vậy nhiệm vụ tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong tình hình mới là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển. Cần chủ động nắm chắc tình hình an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy. 

Thứ năm: Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đảm bảo đúng vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định có liên quan, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng các kỳ họp và hoạt động giám sát sao cho trúng, đúng các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân phải phát huy tinh thần đoàn kết, luôn gần dân, sát dân hơn, có nhiều hình thức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Chủ động phối hợp Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng trong giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại địa phương bảo đảm nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả cao. Phối hợp chặt chẽ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của tỉnh thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội đối với những quyết sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.

Thưa quý đại biểu,

Tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, quyết định đúng đắn, khoa học và giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân; sự điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân; sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Cao Bằng sẽ đạt được những bước phát triển nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cả nước. Chúc các đồng chí đại biểu Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội, các ngành, các cấp và đồng bào các dân tộc của tỉnh Cao Bằng luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thành công mới, thắng lợi mới.

Xin trân trọng cảm ơn!

Các bài viết khác