PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ VÀ CHỈ ĐẠO PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ BA CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC

18/05/2022

Sáng 18/5, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 3 để thẩm tra và cho ý kiến vào một số nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo Phiên họp.

 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì Phiên họp. Tham dự Phiên họp toàn thể có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Cao Thị Xuân, Trần Thi Hoa Ry, Đinh Thị Phương Lan; các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc khóa XV.

Về phía Quốc hội còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành; Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà; Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ; Thiếu tướng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Xuân Hùng.

Về phía các bộ, ngành có Thiếu tướng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) Hầu Văn Lý; Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Chính trị (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) Trần Văn Bừng.

Toàn cảnh Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 để thẩm tra và cho ý kiến vào một số nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao cố gắng, nỗ lực và kết quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc từ sau Phiên họp thứ hai ngày 9/10/2021 đến nay, Hội đồng đã chủ động tổ chức nhiều công việc theo kế hoạch.

Thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc đã tham gia thẩm tra 13 dự án luật, 1 Pháp lệnh và 15 Nghị quyết. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, đây là các nội dung có tác động lớn đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, luật hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần đưa pháp luật vào đời sống của đồng bào.

- Xây dựng và ban hành Nghị quyết định hướng nội dung giám sát của Hội đồng Dân tộc khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026; kế hoạch giám sát, khảo sát năm 2022; tham gia ý kiến dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.

- Thường trực Hội đồng Dân tộc cử đại diện tham gia các hoạt động của 2 Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội và 2 Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham gia xây dựng các báo cáo kết quả giám sát và làm việc tại một số địa phương.

- Tổ chức các đoàn đi một số địa phương vùng dân tộc thiểu số nhân dịp Tết Nguyên đán và Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây; tham gia các Đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi chúc Tết các địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tinh thần làm việc, sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc, nhất là việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Theo dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, sẽ xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng, cùng với việc tiếp tục bám sát việc thực hiện nhiệm vụ được giao của Hội đồng dân tộc trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 của Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành.

Đồng thời quán triệt thực hiện nội dung phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 11, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cũng như trong vùng, sớm đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng về phát triển vùng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu tham dự Phiên họp cần quan tâm thảo luận một số nội dung sau:

Một là về tiến độ, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021-2025) và năm 2022. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu thủ tục đầu tư, phân bổ vốn thực hiện 3 Chương trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/3/2022, nhưng đến ngày 19/4/2022, Chính phủ mới có Tờ trình, sự chậm trễ này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt bố trí kế hoạch vốn (sau gần 1,5 năm chưa được phân bổ). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Dân tộc tham mưu cho Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của sự chậm trễ và trách nhiệm của các cơ quan để báo cáo Quốc hội: chậm ở đâu, bộ ngành nào, địa phương nào. Đồng thời, quán triệt chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Phiên họp thứ 11, phải thực hiện nhanh, nhưng nhanh phải đúng về mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn mà các Nghị quyết Quốc hội đặt ra.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách… đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba quyết định lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2023 là ba Chương trình mục tiêu Quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, ngay sau khi Quốc hội thông qua, Hội đồng Dân tộc cần khẩn trương, phối hợp xây dựng Chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện đúng thời gian quy định của Quốc hội.

Hai là về vấn đề thẩm tra, tham gia thẩm tra các dự án Luật phục vụ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đại biểu tập trung thảo luận, thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật; xác định vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc; bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng dân tộc và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và góp sức xây dựng, phát triển đất nước.

Ba là về tình hình an ninh trật tự, công tác biên giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc với Ủy ban Dân tộc, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong những năm qua. Kết quả hoạt động phối hợp của các cơ quan góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.

Để thực hiện tốt hơn công tác phối hợp giữa 4 cơ quan, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị:

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quá trình tham mưu, xây dựng luật về các nội dung liên quan đến công tác dân tộc, nhất là những chính sách đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Phối hợp giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.

- Phát huy tất cả các lực lượng, các đơn vị đứng chân trên địa bàn, vận động quần chúng thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Kiên quyết không để các thế lực thù địch lôi kéo, kích động hoặc lợi dụng đồng bào chống phá cách mạng; giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng rằng, các thành viên Hội đồng Dân tộc tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, huy động sức mạnh tập thể và sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong bối cảnh mới; chuẩn bị từ sớm, từ xa cho các nội dung hoạt động của mình.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tại Phiên họp này./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác