Tham dự buổi làm việc còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; đại diện thường tực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội Quốc hội, Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Công tác đại biểu
Trình bày Tờ trình về việc ban hành dự thảo Nghị quyết, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, trước những yêu cầu đổi mới về phương thức tổ chức, hoạt động, lề lối làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giai đoạn mới theo tinh thần Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng; khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khác trong việc triển khai cùng một nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Công tác đại biểu nói riêng và của Quốc hội nói chung, việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu trong thời điểm này là cần thiết.
Dự thảo nghị quyết gồm 6 điều, trong đó giữ nguyên 2 điều (Điều 3 và Điều 4), chỉnh lý 2 điều (Điều 5 và Điều 6) về mặt kỹ thuật cho phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung ở Điều 1 và Điều 2, cụ thể: về vị trí chức, năng, bổ sung “về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp”. Về nhiệm vụ, quyền hạn, bổ sung các nhiệm vụ: Chủ trì tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu, theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp… Những nội dung được bổ sung này dựa trên cơ sở quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động của Ban, nhất là một số nhiệm vụ đã được Ban triển khai trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây.
Về thời điểm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết, Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết đề xuất, nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất, việc ban hành Nghị quyết này nên được tiến hành cùng thời điểm ban hành các nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc và Nội quy Kỳ họp Quốc hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của đơn vị chủ trì soạn thảo trong việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 575/UBTVQH12, các ý kiến thảo luận đã đồng tình, thống cao về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu để đáp ứng việc tham mưu về 06 nhóm nội dung cơ bản. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu các nội dung trong dự thảo nghị quyết cần bám sát yêu cầu đổi mới về phương thức tổ chức, hoạt động, lề lối làm việc của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong giai đoạn mới theo tinh thần Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quy định của Hiến pháp năm 2013 và nội dung Thông báo số 964/TB-VPQH về ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội trong buổi làm việc với Ban Công tác đại biểu ngày 19/4/2021.
Nhấn mạnh, Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu là văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Ban Công tác đại biểu và các cơ quan hữu quan cần tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, chủ động, khẩn trương phối hợp với Uỷ ban Pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội sớm đưa việc ban hành Nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; phối hợp với các cơ quan chức năng chuẩn bị kỹ các nội dung hồ sơ có liên quan; lấy ý kiến các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật bảo đảm tiến độ, chất lượng, trong đó tranh thủ cơ chế tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, các nguyên lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc
Về nguyên tắc xây dựng văn bản, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu, đồng thời phải gắn với Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Công tác đại biểu; nhấn mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động, vai trò tham mưu của Ban Công tác đại biểu mới là mục đích chính yếu trong lần sửa đổi này, do đó, cần chi tiết hoá, cụ thể hoá thành quy trình, thủ tục làm việc, nâng cao tính chuyên nghiệp, tránh sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, phải đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; lưu ý, đối với những nhiệm vụ được giao cho từ 02 cơ quan trở lên cùng thực hiện thì phải xác định đơn vị nào chủ trì, đơn vị nào phối hợp, cơ chế phối hợp, trách nhiệm từng vai. Nội dung Nghị quyết cũng phải bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành; đặc biệt là sự tương thích với Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, cần xác định rõ Ban Công tác đại biểu là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tham mưu, giúp việc cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, việc bổ sung chức năng tham mưu, giúp việc về công tác bầu cử cũng là trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên phải rà soát kỹ các quy định của pháp luật, tránh trùng lặp với chức năng nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử quốc gia, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; đồng thời tăng tính chủ động, hiệu quả, chất lượng trong tham mưu.
Lưu ý rà soát các nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu để không trùng lặp với nhiệm vụ của Tổng Thư ký Quốc hội trong tham mưu về trình tự, thủ tục làm việc của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; về việc tham mưu xây dựng Chương trình giám sát (đối với Hội đồng Nhân dân); không trùng lặp với nhiệm vụ của Bộ Nội vụ trong việc đào tạo, bồi dưỡng đại biểu Hội đồng Nhân dân. Đồng thời, bổ sung quy định về nhiệm vụ, cơ chế tham mưu, giúp việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phối hợp của Ban Công tác đại biểu với Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Chính phủ trong công tác bầu cử, trên cơ sở rõ việc, rõ thời điểm, rõ nội dung, trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các bên, nhất là trong công tác dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân./.