PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ HỘI THẢO “NỮ ỨNG CỬ VIÊN ĐBQH, ĐẠI BIỂU HĐND VÀ VIỆC THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI” KHU VỰC PHÍA BẮC

19/04/2021

Sáng 19/4, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội và Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và việc thúc đẩy bình đẳng giới” khu vực phía Bắc. Hội thảo diễn ra trong hai ngày từ 19-20/4 tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh và Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thúy Anh chủ trì Hội thảo. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh vai trò nòng cốt của nữ đại biểu Quốc hội trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật và ngày càng có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động ngoại giao, nghị viện.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết trước khi hiệp thương lần 3, theo số liệu tổng hợp của Hội đồng bầu cử quốc gia, có 888 người do địa phương giới thiệu, trong đó tỉ lệ ứng cử đại biểu Quốc hội cơ cấu nữ đạt 48,65%, HĐND cấp tỉnh là 41,76%, cấp huyện là 42,36% và cấp xã là 39,05%. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn tỉ lệ nữ trúng cử đạt yêu cầu của Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm nữ Đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thúy Anh cho biết, bình đẳng giới là quyền con người, là mục tiêu phấn đấu của các quốc gia và thước đo để đánh giá mức độ tiến bộ, phát triển của xã hội. Tuy nhiên, giữa quy định của pháp luật và thực tiễn luôn có khoảng cách nhất định. Việt Nam còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị.  

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng cho biết còn khoảng một tháng nữa là đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, tỉ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp phải đảm bảo tối thiểu 35%. Để đạt được tỉ lệ tối thiểu này và cao hơn nhiệm kỳ trước là thách thức lớn, do đó phải có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, mạnh mẽ, quyết tâm chính trị cao và quan trọng là sự nỗ lực, cố gắng của chính nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội phát biểu

Tại hội thảo, các nữ ứng cử viên được cung cấp thông tin cơ bản về Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội, một số chính sách pháp luật kinh tế - xã hội và bình đẳng giới mà cử tri quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm, thực hành các kĩ năng tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử, xây dựng chương trình hành động... Đồng thời, các ứng cử viên được các đại biểu, nguyên đại biểu Quốc hội hướng dẫn về các kỹ năng tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử, xây dựng chương trình hành động, xây dựng hình ảnh xuất hiện trước các phương tiện truyền thông, tạo quan hệ với báo chí.

Chia sẻ về pháp luật bình đẳng giới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt cho biết, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam, bao gồm: Hiến pháp, các đạo luật, nghị quyết của Quốc hội, các văn bản dưới luật (pháp lệnh, nghị định, thông tư…), các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân…Mỗi một lĩnh vực nhất định sẽ do pháp luật chuyên ngành điều chỉnh như pháp luật về hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, đất đai, hôn nhân và gia đình… Tuy nhiên, bình đẳng giới không phải là một lĩnh vực, mà là một nội dung bao trùm và lồng ghép trong các lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, pháp luật về bình đẳng giới hiểu theo nghĩa rộng bao hàm tất cả các quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Theo nghĩa hẹp, pháp luật về bình đẳng giới là tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp vấn đề bình đẳng giới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban cũng nhấn mạnh, với tinh thần tham gia tích cực, có trách nhiệm của các nữ đại biểu dân cử trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới, đã làm thay đổi được nhận thức của các cấp chính quyền và xã hội về vấn đề này. Các vấn đề về bình đẳng giới ngày càng được quan tâm hơn; nhiều kiến nghị của nữ đại biểu đã được đưa vào các quy định pháp luật, giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới. Nhờ vậy, những chính sách được đưa ra thiết thực và gắn với cuộc sống của người dân hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Hoàng Quang Hàm chia sẻ

Cũng chia sẻ tới các nữ ứng cử viên tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Hoàng Quang Hàm cho biết về những vấn đề chung thẩm tra, giám sát tài chính, ngân sách. Theo đó, nội dung thẩm tra các dự án, dự thảo Luật, Nghị quyết về tài chính, ngân sách cũng tương tự như nội dung thẩm tra các dự án, dự thảo Luật, nghị quyết thuộc các lĩnh vực khác phải tập trung vào các vấn đề sau: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của văn bản; Nội dung của dự thảo văn bản và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; việc giao và chuẩn bị văn bản quy định chi tiết (nếu có); Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Tính khả thi của các quy định trong dự thảo văn bản; Điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật; Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản, nếu dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm tra yêu cầu cơ quan trình dự án, dự thảo báo cáo về những vấn đề liên quan đến nội dung dự án, dự thảo. Còn các hình thức giám sát về tài chính, ngân sách gồm: Nghe và đánh giá báo cáo; Chất vấn và yêu cầu giải trình tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Tổ chức đoàn giám sát chung, giám sát chuyên đề, giám sát đột xuất; Cử thành viên Đoàn giám sát đi xác minh các vấn đề tài chính - ngân sách; Xem xét, xử lý các kiến nghị của cử tri.

Theo chương trình của Hội thảo, các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sẽ được Ban tổ chức chia thành nhiều nhóm nhỏ để cùng thảo luận tổ về những băn khoăn, trăn trở trong quá trình vận động bầu cử của mỗi người, đồng thời chia sẻ các giải pháp hoàn thiện kỹ năng tranh cử./.

Hồ Hương