Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Mở rộng hợp tác nghị viện, khai phá tiềm năng hợp tác tại Trung Á và Kavkaz

09/04/2025

Với lịch làm việc dày đặc, hoạt động phong phú, đa dạng, chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Đại hội đồng IPU-150, thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia từ ngày 2-8/4 đã thành công tốt đẹp. Khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên bình diện đa phương và song phương. Trong đó có mở rộng, khai phá tiềm năng hợp tác với các đối tác truyền thống tại Trung Á và Kavkaz.

 

Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan chủ trì Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Làm sâu sắc quan hệ Việt Nam - Armenia vì thịnh vượng của nhân dân hai nước

Armenia - đất nước nhỏ bé nhưng mang chiều sâu của một trong những nền văn minh cổ xưa nhất thế giới. Hơn 30 năm, kể từ khi Armenia và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (vào năm 1992), chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu cơ quan lập pháp nước ta cũng là chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Việt Nam tới Armenia.

Sự đón tiếp nồng hậu, thịnh tình, ấm áp, từ các nhà lãnh đạo cấp cao của Armenia với Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thể hiện rõ, tuy hai nước xa xôi về khoảng cách địa lý nhưng đây không phải rào cản làm giảm đi sự gần gũi của một mối quan hệ truyền thống lâu đời.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan cùng các đại biểu

Tại các cuộc hội kiến, hội đàm với với Tổng thống Armenia Vahagn Khachaturyan, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan, bầu không khí chân tình,cởi mở, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau luôn được duy trì, kết nối.

Việt Nam - Armnia mong muốn tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó, thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hai nước trên tất cả các lĩnh vực và các kênh, bao gồm kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng thống Armenia Vahagn Khachaturyan

Tổng thống Armenia Vahagn Khachaturyan khẳng định: “Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Armenia đã tạo ra động lực mới cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước chúng ta, cả trên bình diện chính trị, kinh tế lẫn nhân văn”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan khẳng định “Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Một câu nói ngắn gọn, nhưng cho thấy tình cảm đặc biệt và sự coi trọng của Thủ tướng Armenia đối với đất nước và nhân dân Việt Nam.

Armenia và Việt Nam cụ thể hóa việc thúc đẩy hợp tác thông qua việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Alen Simonyan đã chính thức ký thoả thuận hợp tác đầu tiên của Quốc hội hai nước.

“Quốc hội hai nước đã ký kết một Bản ghi nhớ (MoU), do chính Chủ tịch Quốc hội hai bên ký kết, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc thúc đẩy hợp tác song phương. Điều đáng chú ý là trong cả hai Quốc hội đều có các Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị - những nhóm đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngoại giao nghị viện. Các nhóm này sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trên cơ sở Bản ghi nhớ đã được ký kết, từ đó làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai Quốc hội cũng như hai quốc gia”, Phó Chủ tịch Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan nhận định.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Alen Simonyan đã chính thức ký thoả thuận hợp tác đầu tiên của Quốc hội hai nước.

Nhân chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và một số lãnh đạo cơ quan của Quốc hội đều có các cuộc tiếp xúc với các đối tác của Quốc hội Armenia. Hai bên đã trao đổi sâu về mối quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước cũng như hợp tác giữa các cơ quan chuyên môn, cơ quan giúp việc nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả những nội dung trong thỏa thuận hợp tác đã ký trong thời gian tới.

Không chỉ thúc đẩy hợp tác qua kênh Quốc hội, thúc đẩy hợp tác kinh tế là một trong những điểm nhấn quan trọng của chuyến thăm. Tại Thủ đô Yerevan, Toạ đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Armenia với sự hiện diện của 70 đại biểu đến từ khoảng 60 doanh nghiệp lớn, tiêu biểu của Việt Nam và Armenia đã được tổ chức. Tham dự Toạ đàm, Chủ tịch Quốc hội đã đưa ra nhiều định hướng gợi mở để doanh nghiệp hai nước trực tiếp kết nối, tìm cơ hội hợp tác, đầu tư trên các lĩnh vực như: năng lượng, khoảng sản, viễn thông, nông nghiệp, hàng không, giao thông, dệt may; để cùng nhau biến tiềm năng thành những kết quả thực chất, các dự án cụ thể, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc.

“Armenia cho rằng việc tăng cường hợp tác đầu tư của hai bên trong bối cảnh tình hình thế giới đang bị tác động rất lớn của các chính sách thuế mới là điều hết sức quan trọng. Armenia mong muốn chúng ta hiện diện nhiều hơn ở nước Bạn”, Đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Nga kiêm nhiệm Armenia Đặng Minh Khôi chia sẻ.

Cũng tại Armenia, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có nhiều hoạt động phong phú khác để thúc đẩy hợp tác giáo dục, văn hoá, giao lưu nhân dân, tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước, tìm hiểu chiều sâu văn hóa của một trong những nền văn minh cổ xưa nhất thế giới. Các chuyến thăm Trung tâm công nghệ sáng tạo TUMO - một mô hình giáo dục phi lợi nhuận độc đáo; Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - biểu tượng trí tuệ của đất nước, được mệnh danh là trái tim học thuật, ngọn hải đăng tri thức, và là niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực Nam Caucasus… cho thấy Việt Nam và Armenia đều là những dân tộc giàu truyền thống hiếu học, luôn đề cao giá trị của tri thức, lấy đạo đức và tài năng làm nền tảng xây dựng tương lai.

 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân. Không chỉ thiết lập khuôn khổ hợp tác nghị viện đầu tiên giữa hai Quốc hội - tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho mối quan hệ song phương; chuyến thăm còn mở ra nhiều hướng đi mới trong hợp tác kinh tế; thể hiện vai trò chủ động, tích cực và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong việc thúc đẩy đối ngoại nghị viện, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống.

Việt Nam - Uzbekistan: Cột mốc chiến lược mở ra chu kỳ hợp tác mới giữa Việt Nam và Trung Á

Trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của năm 2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã thăm chính Uzbekistan. Một quốc gia Trung Á giàu bản sắc, được biết đến là điểm giao thoa quan trọng trên Con đường Tơ lụa huyền thoại nối liền phương Đông và phương Tây.

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Cộng hòa Uzbekistan kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Chuyến thăm khởi đầu cho một chu kỳ hợp tác sâu sắc hơn giữa Việt Nam và khu vực Trung Á.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Uzbekistan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có cuộc hội kiến, hội đàm với Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev; Chủ tịch Thượng viện Uzbekistan Tanzila Narbaeva; Chủ tịch Hạ viện Uzbekistan Nuriddin Ismoilov.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Uzbekistan Tanzila Narbaeva

Các nhà lãnh đạo Uzbekistan đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Uzbekistan; đánh giá cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới; khẳng định nhiều lần Uzbekistan rất coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp với Việt Nam và coi Việt Nam là đối tác quan trọng chủ chốt của Uzbekistan tại khu vực Đông Nam Á; mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường trao đổi, tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Thượng viện Tanzila Narbaeva đã ký Thỏa thuận hợp tác 

Về hợp tác trên kênh Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Thượng viện Uzbekistan và Chủ tịch Hạ viện Uzbekistan đều khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và hai viện của Uzbekistan. Đặc biệt, sự kiện Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Thượng viện Tanzila Narbaeva ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Uzbekistan, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ nghị viện song phương. Đây không chỉ là một văn kiện hợp tác mang tính hình thức, mà là khuôn khổ thể chế đầu tiên được thiết lập nhằm thúc đẩy trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, phối hợp tại các diễn đàn nghị viện quốc tế, và cùng nhau giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu trên cơ sở đồng thuận, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao của Lãnh đạo Quốc hội, các hoạt động hợp tác giữa các Cơ quan của Quốc hội, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, Nhóm Nghị sĩ trẻ, Nhóm nữ nghị sĩ, các Đại biểu Quốc hội của hai nước; tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm giữa các Ủy ban chuyên môn và các Đại biểu Quốc hội trong hoạt động nghị trường, đặc biệt trong lĩnh vực lập pháp, giám sát. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường giám sát và đôn đốc thực hiện hiệu quả các Thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương mà Chính phủ hai nước đã ký kết hoặc tham gia, đặc biệt là các hiệp định giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại...

Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Uzbekistan Nuriddin Ismoilov và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn 

Chủ tịch Quốc hội và Lãnh đạo cấp cao Uzbekistan cũng đã thống nhất các biện pháp thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất trí tăng cường kết nối giao thông, đẩy mạnh vận tải đa phương thức để đưa hàng hoá đến với thị trường của nhau cũng như các nước trong khu vực. Trong đó nhấn mạnh việc kết nối đường sắt từ Việt Nam qua Trung Quốc đến Trung Á, qua biển Caspia tới khu vực Kavkaz và xa hơn theo các hành lang Đông - Tây và Bắc - Nam.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev

Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo Uzbekistan cũng nhất trí sẽ hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước đầu tư, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực hai bên có thế mạnh như y tế, dệt may, năng lượng, dầu khí, chế biến nông sản… Hai bên cũng thảo luận về việc mở rộng hợp tác du lịch, văn hóa, giáo dục và xem xét khả năng mở thêm đường bay thẳng giữa hai nước, có chính sách thị thực thuận lợi cho công dân hai nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

Tại Uzbekistan, Chủ tịch Quốc hội cũng đã dự Toạ đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Uzbekistan. Toạ đàm đã diễn ra rất thành công, thu hút được đông đảo sự quan tâm của các bộ ngành, doanh nghiệp hai nước. Trong bối cảnh Uzbekistan đang tiến hành cải cách mở cửa mạnh mẽ, sự hiện diện của lãnh đạo cấp cao Việt Nam mang ý nghĩa như một "tín hiệu xanh" cho doanh nghiệp và giới đầu tư hai nước khai phá những lĩnh vực hợp tác mới – từ dệt may, dầu khí, đến logistics, nông nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số.

“Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để Uzbekistan tăng cường quan hệ với ASEAN và mong muốn Uzbekistan là cầu nối để Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác với các nước Trung Á”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Uzbekistan Khodjayev Jamshid Abdukhakimovich trao Dự thảo kế hoạch hành động về hợp tác song phương giai đoạn 2025-2026 giữa Việt Nam và Uzbekistan.​

Những biên bản ghi nhớ hợp tác giữa một số bộ ngành của hai nước cùng với Dự thảo kế hoạch hành động về hợp tác song phương giai đoạn 2025-2026 giữa Việt Nam và Uzbekistan được trao tại Toạ đàm, chính là kết quả bước đầu cho sự khởi động hợp tác song phương trong giai đoạn mới của Việt Nam và Uzbekistan.

Chia sẻ về thành công của cả hai cuộc Toạ đàm ở Armenia và Uzbekistan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cho biết: “Chúng tôi rất  kỳ vọng sau buổi tọa đàm này thì các doanh nghiệp cả hai bên sẽ có những buổi gặp gỡ trực tiếp, trao đổi, thảo luận để tiến tới những kế hoạch, hợp đồng về thương mại và đầu tư cụ thể để triển khai tại Armenia, Uzbekistan cũng như tại Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương

Trong khuôn khổ chuyến thăm Uzbekistan, Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân cũng đã thăm trường Đại học Phương Đông Tashkent, gặp gỡ giáo viên và sinh viên học tiếng Việt, qua đó truyền lửa văn hóa Việt, thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa Việt Nam - Uzbekistan. Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân cũng đã gặp gỡ, động viên cán bộ nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Uzbekistan.

Chia sẻ về thành công  chuyến thăm chính thức Cộng hoà Armenia và Cộng hoà Uzbekistan của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho rằng, chuyến thăm đã góp phần vào việc củng cố tin cậy chính trị, tạo xung lực mạnh mẽ và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Armenia và Uzbekistan. "Lãnh đạo hai nước đánh giá cao vị thế ngày càng cao của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, khẳng định coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, là hình mẫu điển hình trong quá trình hội nhập quốc tế và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam",  Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng

Khẳng định vị thế của Quốc hội Việt Nam tại diễn đàn đa phương

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Đại hội đồng IPU-150 tại Tashkent, Uzbekistan. Điều này đã gửi đi một thông điệp hết sức rõ ràng về sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương nói chung, hợp tác đa phương nghị viện và vai trò của IPU nói riêng.

Là lãnh đạo Quốc hội đầu tiên phát biểu tại Phiên toàn thể cấp cao Đại hội đồng IPU-150,  trước hơn 700 Nghị sĩ Quốc hội tham dự, trong đó có 49 Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện, 46 Phó Chủ tịch Quốc hội đến từ trên 120 quốc gia… Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ, không có một quốc gia hay một xã hội nào có thể phát triển bền vững nếu chúng ta không đặt người dân làm trung tâm trong mọi chính sách. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần lấy tinh thần kiến tạo phát triển làm nòng cốt trong thực hiện sứ mệnh, vai trò của Quốc hội và Nghị viện. Cần đặt người dân ở vị trí trung tâm, thực sự khẳng định bản chất của cơ quan dân cử; lấy công bằng và tiến bộ xã hội làm thước đo cao nhất của sự phát triển. Cùng với đó tăng cường phối hợp hành động và hợp tác quốc tế giữa các Nghị viện thành viên, nhất là trong bảo vệ hòa bình, giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh nghị viện thế giới

“Hướng tới kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng, Quốc hội Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp lý, kịp thời tháo gỡ những bất cập về thể chế để khơi thông các nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh và chuyển đổi năng lượng đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh và bền vững đảm bảo công bằng xã hội”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Lãnh đạo IPU và các nước đánh giá cao thông điệp của Trưởng đoàn Việt Nam phù hợp với chủ đề của Đại hội đồng là Hành động của nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội, phát góp phần định hướng sự phối hợp hành động của nghị viện hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về triển xã hội vào cuối năm nay.

 Tổng Thư ký IPU Martin Chungong đánh giá cao bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

“Tôi đã trực tiếp chúc mừng Ngài Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bởi bài phát biểu rất rõ ràng và sâu sắc, thể hiện cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo Việt Nam trong việc mang lại phát triển xã hội và công bằng xã hội cho nhân dân.Tôi đặc biệt ấn tượng khi Ngài Chủ tịch đã đưa ra những ví dụ cụ thể về các chính sách của Việt Nam nhằm cải thiện đời sống người dân. Đó chính là tinh thần cốt lõi của nghị viện – cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, có trách nhiệm hiện thực hóa các kỳ vọng đó.”, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong chia sẻ.

Nhân dịp dự Đại hội đồng IPU-150, Chủ tịch Quốc hội đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Chủ tịch và Tổng Thư ký IPU, Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện các nước, bao gồm các nước ta có quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt hoặc là Đối tác chiến lược toàn diện của ta, nhằm trao đổi các biện pháp để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với IPU và với các nước, các nghị viện thành viên IPU; phát huy tốt hơn vai trò của Nghị viện mỗi nước trong việc mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hợp tác, đối tác trên tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp Chủ tịch IPU Tulia Ackson

Cùng với các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Đoàn Việt Nam đã có chương trình làm việc đa dạng, tích cực, hiệu quả với các đối tác song phương, đa phương và tại các cơ chế của IPU, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của Quốc hội Việt Nam trong diễn đàn nghị viện đa phương.

Có thể khẳng định, chuyến công tác tham dự Đại hội đồng IPU-150 và thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã thành công trên mọi phương diện.

Tại Uzbekistan và Armenia, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn không chỉ làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, quyết tâm cùng hai nước thúc đẩy hợp tác toàn diện, hiệu quả, lên tầm cao mới; mà còn thiết lập được khuôn khổ pháp lý vững chắc và định hướng hợp tác thực chất, lâu dài giữa Việt Nam với các đối tác ở khu vực Trung Á và Kavkaz. Đây là minh chứng sinh động cho hiệu quả của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đồng thời khẳng định vai trò ngày càng nổi bật của Quốc hội Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và nâng cao vị thế quốc gia trong kỷ nguyên hội nhập mới.

Dương Dung