CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: THÚC ĐẨY MẠNH MẼ HƠN NỮA SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC

20/08/2024

Cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Đoàn giám sát phải thật sự đổi mới, thiết thực, lấy hiệu quả là chính, từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự nghiệp giáo dục, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước ta hiện nay.

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO KẾ HOẠCH VÀ ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Sáng 20/8, tiếp tục Phiên họp thứ 36, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Báo cáo dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, mục đích giám sát nhằm đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực; kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân…, đưa ra đề xuất kiến nghị, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát báo cáo tại phiên họp.

Nội dung giám sát sẽ tập trung vào 4 vấn đề: Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đề xuất kiến nghị, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Phạm vi giám sát tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ 2021 đến hết ngày 31/12/2024 trên phạm vi cả nước.

Cho ý kiến tại phiên phọp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội rất quan tâm tới vấn đề thực hiện chính sách pháp luật về phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao.

“Tôi thống nhất cách đặt vấn đề của Đoàn giám sát, chúng ta tập trung sâu vào vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực để làm sao chúng ta phát hiện được những mặt mạnh, những việc làm được trong lĩnh vực đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trong thời gian vừa qua. Đồng thời, chúng ta thấy những mặt hạn chế đối với vấn đề này, từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để làm sao thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đáp ứng được yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước chúng ta hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp.

Về các địa phương đến giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kế hoạch đưa ra rất hợp lý khi tiến hành giám sát trực tiếp tại chính địa phương theo tiêu chí đại diện cho các vùng, miền, là hạt nhân, cực tăng trưởng và trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng, trung tâm phát triển mới, sử dụng nhiều lao động, địa bàn khó khăn, tập trung đồng bào dân tộc thiểu số.

Về đề cương báo cáo kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần có sự phân tích, dự báo đặt ra cho nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp. Đất nước muốn phát triển đi lên, thì phải quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, bảo đảm thật sự là quốc sách hàng đầu. “Về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước đầy đủ, nhưng vừa qua có sự quan tâm đúng mức của các ngành, các cấp, nhất là sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương hay không, thì lần giám sát này phải chỉ rõ và đặt ra nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp. Đào tạo ra thì phải có việc làm, đào tạo đúng ngành nghề. Thực tế cho thấy, có thời gian học theo phong trào, thấy cái gì dễ thì đăng ký học nhưng học ra không có việc làm, thầy nhiều hơn thợ” - Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Đoàn giám sát cần nghiên cứu kỹ phạm vi giám sát, nhất là các văn bản của Đảng, Nhà nước đã ban hành, đã thực hiện, nội dung nào đang thực hiện, nội dung nào chưa thực hiện và lý do vì sao, những vấn đề mà dư luận, xã hội, nhân dân quan tâm? 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho đề nghị Đoàn giám sát phải thật sự đổi mới, thiết thực, lấy hiệu quả là chính, từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự nghiệp giáo dục, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát phải đưa ra số liệu đầy đủ, có “bức tranh” tương đối toàn diện về thực trạng nguồn nhân lực, đánh giá rõ quy mô, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực trong một mối tương quan Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới để xem xét. “Chúng ta giám sát nhiều, chúng ta đi thực tế nhiều nhưng cuối cùng sản phẩm là kiến nghị và khi kiến nghị ra cơ quan nào, ngành nào phải thực hiện chỉ ra cho rõ. Mỗi thành viên Đoàn giám sát là phải thật sự trách nhiệm, có sản phẩm tham gia góp ý, đề xuất của mình, nhất là quan điểm đối với kết luận giám sát. Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cùng tham gia đánh giá việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực theo lĩnh vực phụ trách....”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về thời gian, theo dự thảo, các cơ quan gửi báo cáo và dự thảo kế hoạch đối với UBND cấp tỉnh là trước ngày 01/6/2025; bộ, ngành trước ngày 15/1/2025; Chính phủ báo cáo ngày 20/1/2025. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần cân nhắc thật kỹ thời gian này theo hướng hợp lý hơn. Về thời gian giám sát tại địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần xác định rõ thời điểm tiến hành, tránh thời gian tổ chức phiên họp hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thời gian tổ chức Kỳ họp Quốc hội…

Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải thật sự đổi mới, thiết thực, lấy hiệu quả là chính, tránh việc đi nhiều địa phương, nhiều ngành nhưng hiệu quả mang lại không lớn - Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ./. 

Trọng Quỳnh - Lan Hương

Các bài viết khác