PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: CẦN GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ VỚI 04 VẤN ĐỀ CẤP THIẾT TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

11/10/2022

1492 lượt xem

Tại Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ làm rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp đột phá đối với 04 vấn đề cấp thiết trong phát triển kinh tế - xã hội.

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Trong năm 2022, kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội tương đối khả quan. Cụ thể, cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao vượt 6 chỉ tiêu đề ra, nhất là về tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra, tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành, tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, bám sát quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát, tỷ lệ chuyển nặng, tử vong rất thấp so với các nước, tạo điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thẩm tra đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong thời gian qua, nước ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo; qua đó khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là Quý III cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội thấp hơn so với mục tiêu; Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; các gói hỗ trợ thực hiện còn chậm, gói hỗ trợ lãi suất qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp; Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm; Xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại; Việc triển khai quy hoạch, nhất là công tác lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 còn chậm.

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm như: Kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, nhất là giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đồng tình hầu hết đánh giá của Chính phủ về kết quả kinh tế - xã hội năm 2022, theo đó, tình hình kinh tế xã hội có diện mạo khởi sắc, khả quan, toàn diện ở cơ bản hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt các chỉ số kinh tế - xã hội quý III hết sức ấn tượng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng, có tính quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chủ động, kịp thời của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong việc chú trọng hoàn thiện thể chế mở đường cho việc thúc đẩy và đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các cơ chế, chính sách, giải pháp linh hoạt, chưa từng có trong tiền lệ phát triển kinh tế - xã hội và đặc thù cho địa phương đến nay đã thực sự phát huy tác dụng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị bổ sung các nhân tố cần thiết, quan trọng khác góp phần tạo nên thành tựu, đó là sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, tích cực của các cấp, các ngành, sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng, đồng thuận của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế... Đồng thời, đề nghị Chính phủ đã bám sát quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị: không lơ là, chủ quan, không nóng vội nhưng cần phải bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, quyết liệt, nghiêm túc triển khai nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra... Định hướng này chắc chắn vẫn còn phù hợp trong bối cảnh năm 2023 và các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ hơn nữa nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp đột phá đối với 04 vấn đề gồm: chưa đạt chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn; vấn đề kết nối của doanh nghiệp trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài, tìm lối ra cho việc tận dụng đầu tư nước ngoài để phát triển doanh nghiệp trong nước; giải pháp cải thiện chất lượng FDI, thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần có sự tập trung trong các giải pháp tháo gỡ trước mắt và năm 2023 đối với các vấn đề: tình trạng lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp ra nước ngoài; tình trạng giá xăng giảm mạnh song các mặt hàng thiết yếu hầu như giảm không đáng kể; công tác rà soát, kiểm tra việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, sự bảo kê của một bộ phận cán bộ nêu trên; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư nhân, do đó cần đánh giá về chính sách, tiền lương đối với công chức, viên chức; vấn đề tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục; thời điểm nâng mức học phí; ...

Qua đánh giá, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một số chỉ tiêu, hạng mục không đạt yêu cầu... do đó cân nhắc việc xem xét điều chỉnh, hoàn thiện một số chính sách trong quá trình thực thi trong thời điểm hiện nay để bảo đảm tính hợp lý, giữa kinh tế - xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn. Chính phủ cũng cần có phân tích kỹ lưỡng, giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa các bộ, ngành địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, bối cảnh, tình hình thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, khả năng dự báo là khó đoán định, chúng ta chưa đánh giá hết được độ thấm, tác động khó lường của tác động do đại dịch gây ra, những đối mặt tiếp theo trước khó khăn, thách thức mới, nên việc thận trọng, chắc chắn vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, trong thời gian tới, nước ta đứng trước những cơ hội lớn: cộng đồng quốc tế đang có nhiều sự quan tâm đến Việt Nam, nhất là các đối tác lớn, về mặt kinh tế, Việt Nam có quy mô thị trường nội địa lớn 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh... vậy nên Chính phủ cần khai thác mạnh các dư địa này trong các giải pháp trước mắt. Đồng thời, cần cụ thể hóa cơ sở cần thiết, kịch bản tăng trưởng, giải pháp sát thực... bảo đảm tính khả thi để đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội trong mọi diễn biến, thậm chí cả tình huống bất ngờ, ngoài dự báo.

Đối với các nội dung trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần chú trọng một số giải pháp giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế nhằm chấm dứt tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều nơi; Tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật đã ban hành, giảm thiểu tối đa tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; Đẩy nhanh thực hiện 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các giải pháp tại Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách.

Minh Hùng - Phạm Thắng

Các bài viết khác