PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ HỘI NGHỊ TIẾP XÚC CỬ TRI TỈNH HẬU GIANG TRƯỚC KỲ HỌP THỨ HAI QUỐC HỘI KHÓA XV

24/09/2021

Chiều 24/9, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ Hai Quốc hội khóa XV. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Tòa nhà Quốc hội.

Hội nghị được tổ chức tại 10 điểm cầu gồm: Tòa nhà Quốc hội; tỉnh Hậu Giang và 8 huyện của Tỉnh. Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cùng đại diện Văn phòng Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang...

Kỳ họp thứ Hai dự kiến tổ chức thành 2 đợt, xem xét nhiều nội dung quan trọng

Báo cáo một số hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội từ sau Kỳ họp thứ Nhất đến nay và dự kiến nội dung Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết: Theo thông lệ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội sẽ tổ chức tiếp xúc cử tri để báo cáo cử tri về dự kiến Chương trình và kết quả của mỗi kỳ họp; đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh đến Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, quan trọng, là cầu nối gắn kết hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội với cử tri và Nhân dân.


Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri tỉnh Hậu Giang trước kỳ họp thứ Hai Quốc hội khóa XV

Tuy nhiên, thời điểm sau Kỳ họp Quốc hội thứ Nhất, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh phía Nam, trong đó có Hậu Giang chuyển biến theo hướng phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của cử tri và Nhân dân, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang không tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội Khóa XV mà phối hợp cùng Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang tổ chức phát phiếu lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trước Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến.

Theo Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu, từ sau Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội Khóa XV đến nay, trong bối cảnh bình thường mới, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội đã nỗ lực, tích cực thực hiện các hoạt động theo chức trách của mình.

Thứ nhất, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang phát 2.875 phiếu lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri tại 75/75 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong đợt lấy phiếu lần này có 138 lượt ý kiến, kiến nghị đến Trung ương tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, chính sách xã hội,... Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan xem xét trả lời với cử tri (sau khi có văn bản trả lời, Đoàn Đại biểu Quốc hội sẽ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các cơ quan báo, đài để thông tin đến cử tri).

Thứ hai, về xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã tiếp nhận và chuyển 04 đơn đến Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh nơi công dân cư trú để xem xét, giám sát việc giải quyết theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội cũng tích cực tham gia các Hội nghị, Hội thảo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức để thẩm tra các dự án luật; tham gia Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về một số nghị quyết, dự án luật quan trọng của Quốc hội.

Về dự kiến nội dung Chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khoá XV: Kỳ họp dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20/10/2021 và dự kiến bế mạc vào ngày 13-11-2021. Kỳ họp tiến hành theo 02 đợt:

- Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/10 đến ngày 03/11/2021 (13 ngày). Đại biểu Quốc hội ở địa phương tham dự ở điểm cầu tại địa phương. Đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

- Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội trong 5 ngày (từ ngày 08/11 đến ngày 13/11/2021).  Đồng thời, Quốc hội dự phòng phương án: Nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian diễn ra đợt 1 của kỳ họp thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc họp trực tuyến toàn bộ thời gian còn lại của kỳ họp. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội thực hiện một số nội dung chính như sau:

Thứ nhất, về Công tác lập pháp: Xem xét thông qua 02 dự án Luật, 03 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp) gồm: Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Xem xét, cho ý kiến 05 dự án luật, bao gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác: Xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam). Về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội cũng tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025; Xem xét, quyết định Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025; Xem xét Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV (nếu có).

Ngoài các nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,... gửi các báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tại kỳ họp.

Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định: Hội nghị tiếp xúc cử tri lần này được tổ chức trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đã có một số tín hiệu khả quan, cả hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước đang phải nỗ lực, để thích nghi và làm quen với trạng thái bình thường mới. Kỳ họp Quốc hội tới đây, sẽ giành thời gian để thảo luận, cho ý kiến về nhiều vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. Do đó, đề nghị cử tri tích cực phát biểu ý kiến, bảy tỏ nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị, sáng kiến, hiến kế cho sự phát triển chung của đất nước và tỉnh Hậu Giang.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu gợi ý một số vấn đề để cử tri và Nhân dân phát biểu, cho ý kiến như: Các vấn đề liên quan đến dự kiến chương trình và nội dung làm việc tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV; công tác phòng, chống dịch Covid-19; chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương đối với các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19; vấn đề liên quan đến đời sống của Nhân dân trong bối cảnh Covid-19 như tình hình đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; việc triển khai dạy và học trực tuyến; vấn đề lao động, việc làm; khám, chữa bệnh; giao thông đi lại; đề xuất, kiến nghị liên quan đến khắc phục khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; tổ chức sản xuất trong trạng thái bình thường mới; hạ tầng giao thông thủy bộ, việc triển khai các Dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và khu vực…

Cử tri đề xuất nhiều giải pháp giải quyết khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ra

Tại Hội nghị, cử tri tỉnh Hậu Giang đã có những phản ánh, ý kiến, đề xuất tới lãnh đạo Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang. Theo đó, đa số ý kiến, đề xuất tập trung vào các vấn đề như: giải quyết khó khăn cho nông dân trong việc tiêu thụ hàng hóa, lưu thông hàng hóa trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; hỗ trợ, giải quyết công ăn việc làm cho lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch bệnh; tăng cường công tác tiêm vắc-xin cho người dân; bảo vệ môi trường, nguồn nước tại các khu công nghiệp, sản xuất...


Các đại biểu tham dự Hội nghị Tiếp xúc cử tri trực tuyến

Cử tri Nguyễn Trung Tôn, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cho biết, đại dịch Covid-19 khiến cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản từ Hậu Giang đến các tỉnh khác gặp nhiều khó khăn. Nếu như dịch bệnh còn diễn biến khó lường thì việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản của người dân còn khó khăn hơn nữa. Để giải quyết vấn đề này, cử tri Nguyễn Trung Tôn đề xuất lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xem xét cấp thẻ xanh cho nông dân vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản. Mặt khác, dịch bệnh cũng khiến cho nhiều địa phương phải cách ly để kiểm soát dịch. Điều này cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nghèo. Tuy nhiên, với những vùng, huyện, khu phố được coi là vùng xanh thì lãnh đạo địa phương nên cân nhắc, tạo điều kiện cho người dân ở đây được ra ngoài đường, đi làm và sinh hoạt bình thường.

Trong khi cả nước đang nỗ lực chống dịch thì nhiều người lại lợi dụng tình hình này để trục lợi trong việc tiêm vắc-xin, bán thuốc giả... Vì vậy, cử tri Nguyễn Trung Tôn đề nghị cần có hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi này. Ngoài những nội dung nêu lên, cử tri Nguyễn Trung Tôn cũng đề xuất trong chương trình thảo luận về sửa đổi Luật Đất đai, các đại biểu Quốc hội nên có ý kiến vào việc xem xét quy quy hoạch đất sao cho sử dụng đúng mục đích, không bị lãng phí. Đối với việc đảm bảo môi trường sống, sức khỏe cho người dân, cử tri đề nghị không cho xây dựng nhà máy công nghiệp ở gần khu dân cư. Nếu địa phương cho xây dựng nhà máy, khu công nghiệp ở gần khu dân cư thì phải chú trọng đến việc xử lý rác thải, nước thải để không ảnh hưởng đến người dân.

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến cuộc sống của người dân nên nhiều công ty phải tạm dừng hoạt động, lao động bị thất nghiệp. Trước thực tế này, cử tri Phạm Hoàng Hiệp đề xuất với lãnh đạo, các đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cần đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 cho người dân, đặc biệt chú trọng hơn đến tiêm vắc-xin cho học sinh để các cháu có thể sớm đến trường học. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ cho lao động tự do, tạo công ăn việc làm cho người dân sau khi dịch bệnh được khống chế.

Cũng tại Hội nghị, các cử tri còn cho ý kiến và đề xuất về việc hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, ổn định cuộc sống; nâng lương hưu cho cán bộ, những người có công với đất nước; quan tâm và có chính sách đãi ngộ tốt hơn nữa với đội ngũ y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an thực hiện công tác phòng chống dịch; hỗ trợ các gia đình nghèo trong việc mua máy tính cho học sinh học trực tuyến hoặc có thể kéo dài việc nghỉ học để đến khi khống chế được dịch bệnh thì cho học sinh đến trường học trực tiếp nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục...

Trước các ý kiến, đề xuất của cử tri, tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cảm ơn cử tri đã có những phản ánh, đề xuất tới lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội địa phương; đồng thời bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn của người dân trước tác động của đại dịch Covid-19.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Đồng Văn Thanh cũng đã giải đáp những vấn đề mà cử tri phản ánh như: giải quyết việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho người dân thông qua việc tổ chức các tổ thu mua, tạo điều kiện cho thương lái vào địa bàn thu mua nông sản; quảng bá nông sản qua mạng Internet, mạng xã hội; đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin cho người dân để tăng cường miễn dịch trong cộng đồng; tăng cường đội thanh tra kiểm soát những người lợi dụng dịch bệnh để trục lợi tăng giá bán thuốc và các vật dụng y tế; giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu dân cư...

Tỉnh Hậu Giang tiếp tục quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm

Sau khi lắng nghe phản ánh, kiến nghị, đề xuất của cử tri tỉnh Hậu Giang, phát biểu Kết luận Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Theo quy định, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp và chương trình kỳ họp kế tiếp.

Do tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nên chiều 24/9, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 15 tại 10 điểm cầu gồm: Tòa nhà Quốc hội; tỉnh Hậu Giang và 8 Huyện của Tỉnh.


Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu Kết luận Hội nghị

Sau thời gian làm việc nghiêm túc, khẩn trương, dân chủ, khoa học, Hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến đã có 13 ý kiến trao đổi thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm. Do điều kiện thời gian, có thể còn nhiều ý kiến chưa được trao đổi, nhưng thời gian vừa qua lãnh đạo Quốc hội vẫn nhận được đều đặn báo cáo của Tỉnh Hậu Giang về ý kiến, kiến nghị cử tri, nhất là Báo cáo công tác Dân nguyện, tiếp công dân; xử lý đơn thư; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.   

Cử tri tỉnh Hậu Giang còn những băn khoăn, lo lắng, đề xuất, kiến nghị về chế độ, chính sách, về các giải pháp phòng, chống dịch; những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh; về ách tắc tiêu thụ nông sản của nông dân; về vốn để tái sản xuất; về đơn giá bồi thường khi thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, lãnh đạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã lắng nghe ý kiến, sẽ phản ánh tới các cơ quan chức năng. Nội dung nào do Tỉnh, huyện, xã của Hậu Giang giải quyết thì các đồng chí chủ động giải quyết theo thẩm quyền; đồng thời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang có báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp chung báo cáo tại Kỳ họp tới đây.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự đồng tình, ủng hộ của Quốc hội và hành động quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm và cả năm 2021 dự kiến đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tỉnh Hậu Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch Covid-19, do đó tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và triển khai linh hoạt trong tình hình dịch Covid-19. Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh kịp thời và theo đúng quy định.

Tuy nhiên, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng chỉ ra rằng, giai đoạn tới đây, cả nước nói chung và Hậu Giang nói riêng chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tiếp tục quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất: Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Quốc hội, nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.

Thứ hai: Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, quyết tâm kiểm soát ngăn chặn dịch trong thời gian sớm nhất, nâng cao năng lực hệ thống y tế sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh.

Thứ ba: Nắm đầy đủ, toàn diện, sâu sắc những tác động, thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, người dân, của từng huyện, xã; xây dựng kịch bản “thực hiện nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh vừa chủ động phòng chống dịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ tư: Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ; kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng giải ngân để điều chuyển cho các dự án có tỷ lệ giải ngân cao.

Thứ năm: Dự đoán sát tình hình, nắm chắc địa bàn, có giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm mới phát sinh. Động viên, ghi nhận tôn vinh những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đã có nhiều công sức đóng góp trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng bày tỏ cảm ơn tới các đại biểu, cử tri đã dành thời gian dự Hội nghị./.

Bích Lan - Bùi Hùng

Các bài viết khác