PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ PHIÊN HỌP TRỰC TUYẾN ĐẠI HỘI ĐỒNG IPU LẦN THỨ 142

26/05/2021

Tối 26/5 theo giờ Hà Nội, từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trường đoàn đã tham dự phiên khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 142 và thảo luận chủ đề “Vượt qua đại dịch hôm nay và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn: Vai trò của các nghị viện”.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự phiên họp Đại hội đồng IPU lần thứ 142 theo hình thức trực tuyến

Đoàn đại biểu Quốc hội tham dự Đại hội đồng IPU-142 còn có Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Lê Thị Nguyệt; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Văn Minh; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong.

Phát biểu khai mạc phiên họp Đại hội đồng IPU-142, chào mừng 750 đại biểu từ 135 nghị sỹ thành viên và bày tỏ vinh dự khi trở thành dấu ấn trong lịch sử của IPU khi lần đầu tiên phiên họp Đại hội đồng được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco khẳng định, đây là thời điểm để các nghị sĩ từ khắp nơi trên thế giới cùng nhau thống nhất về mục đích và chia sẻ cam kết đối thoại và hợp tác nghị viện; là thời điểm mà các giá trị, ý tưởng và khát vọng của các nghĩ sỹ trên toàn thế giới được hội tụ để trở thành động lực mạnh mẽ để củng cố hòa bình và dân chủ đại diện. Đồng thời là thời điểm để các nghĩ sỹ thể hiện trách nhiệm và cho thấy rằng các nghị viện không nằm ngoài tình hình mà là trung tâm trong việc tạo ra điều kiện bảo đảm quyền con người.

Chủ tịch IPU Duarte Pacheco nêu rõ, hơn 3 triệu người đã mất mạng vì đại dịch COVID-19. Cùng với cuộc khủng hoảng khí hậu và suy thoái trên quy mô chưa từng thấy trong gần một thế kỷ qua, đại dịch đã làm đảo ngược một số tiến bộ lớn đạt được trong sự phát triển của loài người. Hàng chục năm công việc đã bị xóa sạch chỉ trong nháy mắt, và hàng triệu người trên khắp thế giới lại rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực. Đặc biệt tác động của đại dịch đối với xã hội trở nên tồi tệ hơn khi mà bất bình đẳng trở nên sâu sắc hơn và khiến cuộc sống đặc biệt khó khăn đối với phụ nữ và trẻ em gái và những người dễ bị tổn thương nhất. Do đó thời điểm này là lúc cần có cách suy nghĩ và tiếp cận mới để đương đầu với thách thức, đòi hỏi các xã hội kiên cường, bình đẳng, bao trùm và công bằng.

Chủ tịch IPU Duarte Pacheco phát biểu khai mạc phiên họp Đại hội đồng IPU-142

Chủ tịch IPU Duarte Pacheco cho rằng trong bối cảnh đó, Quốc hội với tư cách là người bảo vệ nhân quyền và pháp quyền, phải là trung tâm để phục vụ người dân. Vì vậy những nỗ lực của IPU nhằm xây dựng nền tảng mới để tập hợp rất nhiều tiếng nói từ khắp nơi toàn cầu, phát huy vai trò của người đại diện và cùng nhau định vị IPU với vai trò là một thiết chế toàn cầu, là nền tảng cho một cuộc thảo luận rộng rãi về cách vượt qua đại dịch hôm nay và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

Trong các phiên họp của các Ủy ban của IPU, Diễn đàn của Nữ nghị sĩ và Nghị sĩ trẻ đã thảo luận về cách thức các nghị viện đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch, thúc đẩy hòa bình và an ninh, bền vững phát triển, dân chủ và nhân quyền, các khía cạnh giới và thanh niên. Theo đó các vấn đề được quan tâm là việc phổ biến vắc xin; sự tham gia của các thiết chế bên cạnh Nhà nước đóng góp đáng kể vào sự phát triển và tăng trưởng; bảo đảm quyền cho phụ nữ và thanh niên là một phần của sự phục hồi và phải có một vai trò lớn hơn trong thế giới chính trị. Cùng với đó là cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, bảo vệ môi trường và nền kinh tế chăm sóc. Các vấn đề này phải phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Các Mục tiêu phát triển bền vững có thể đóng vai trò là nền tảng để khôi phục sau COVID-19, giải quyết cả cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay và nhiều thách thức mà thế giới phải đối mặt.

Chủ tịch IPU Duarte Pacheco cho rằng, để ứng phó với những thách thức của thời đại, nhất là những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra thì cam kết chính trị, cởi mở, quyết tâm thay đổi, đầu tư mạnh mẽ và thực sự quan tâm là điều tối quan trọng. Chủ tịch IPU Duarte Pacheco kêu gọi các nghị sỹ nắm bắt động lực được tạo ra bởi Đại hội đồng IPU lần này để khẳng định vai trò của các nghị viện trong việc ứng phó với đại dịch đồng thời định hình cho một thế giới sau đại dịch kiên cường, bình đẳng, thông minh, xanh, bao trùm và công bằng. Cùng với việc phục hồi quan hệ đa phương toàn cầu thì mỗi nghị viện tiếp tục phát huy vai trò của mình ở mỗi nước, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco khẳng định trong quá trình đó IPU sẽ luôn là tổ chức toàn cầu của nghị viện, nơi có thể đối thoại chính trị, ngoại giao nghị viện và hợp tác thúc đẩy các giải pháp cho một ngày mai tốt đẹp hơn.

Lần đầu tiên trong lịch sử phiên họp Đại hội đồng IPU được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch IPU Duarte Pacheco, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các vấn đề: tiếp cận vaccine phòng Covid-19 như hàng hoá công cộng; đổi mới hợp tác và đối thoại đa phương nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, kể cả những đại dịch trong tương lai; các giải pháp ưu tiên đầu tư cho an ninh con người như tăng cường dành nguồn lực đầu tư cho y tế, giáo dục; giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch lên nền dân chủ và quyền con người; tạo điều kiện cho thanh niên tham gia đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực phục hồi sau đại dịch…

Phát biểu trong phiên thảo luận chuyên đề, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Việt Nam hoan nghênh IPU đã chủ động chuyển đổi linh hoạt thích ứng với bối cảnh mới, minh chứng là việc tổ chức Đại hội đồng IPU-142 theo hình thức trực tuyến với một chủ đề mang tính thời sự, phản ảnh ý nguyện của 179 Nghị viện thành viên trong ứng phó với đại dịch nghiêm trọng này.

Hướng tới chủ đề của Đại hội đồng IPU 142, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ các đề xuất. Theo đó, tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Liên minh Nghị viện thế giới và các tổ chức nghị viện khu vực, tổ chức quốc tế trong ngăn ngừa, xử lý khủng hoảng hoặc tình huống khẩn cấp như đại dịch COVID-19.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Liên minh Nghị viện thế giới cần kêu gọi các quốc gia có ưu thế sản xuất vắc-xin tăng cường hỗ trợ để người dân các nước đang phát triển, các nước đang phải hứng chịu những hệ lụy nặng nề của dịch bệnh COVID-19 được tiếp cận công bằng, kịp thời vắc-xin và trang thiết bị y tế hiện đại với chi phí hợp lý. Tổ chức Y tế thế giới cùng các nước thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và đào tạo nhằm nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Nghị viện thành viên khẩn trương hoàn thiện chính sách quốc gia để ứng phó với đại dịch COVID-19; phân bổ ngân sách kịp thời và tăng cường giám sát, trách nhiệm giải trình của Chính phủ khi triển khai các chương trình, cơ chế xử lý khủng hoảng nhằm vượt qua đại dịch.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ, với sự cam kết chính trị mạnh mẽ, sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của tất cả các nghị viện thành viên IPU sẽ giúp chúng ta “Vượt qua đại dịch hôm nay và xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn”.

Theo dự kiến chương trình, ngày 27/5, phiên họp toàn thể Đại hội đồng tiếp tục diễn ra để xem xét thông qua các nghị quyết, báo cáo và các văn bản của Đại hội đồng./.

Bảo Yến - Minh Thành

Các bài viết khác