PHÁT BIỂU CỦA PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TÒNG THỊ PHÓNG TẠI HỘI NGHỊ VỀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN TRẺ EM

23/11/2019

Sáng ngày 23/11, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu phát biểu của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tại Hội nghị.

Thưa Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam,

Thưa các vị Đại biểu Quốc hội, các vị khách quý,

Thay mặt bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ, ban,  ngành trung ương, các vị khách quốc tế, lãnh đạo các địa phương đã đến dự hội nghị quan trọng: bàn về Chính sách phát triển toàn diện trẻ em.

Tôi hoan nghênh Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc đã phối hợp tổ chức Hội nghị này, sự hiện diện của quý vị đại biểu là thể hiện sự quan tâm đối với trẻ em, với tương lai của đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội nghị 

Tôi coi đây là sự kiện quan trọng thiết thực kỷ niệm 30 năm thực hiện Công ước về quyền trẻ em (1989-2019) và chuẩn bị cho Hội nghị phát triển trẻ em khu vực Châu Á - Thái Bình dương năm 2019 sẽ được tổ chức tháng 12 tới đây tại Hà Nội. Tôi hoan nghênh việc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã phối hợp với tổ chức Quỹ nhi đồng của Liên Hợp quốc tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về tình hình trẻ em trong cả nước, đặc biệt, với các nhóm dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, đã trực tiếp khảo sát tại 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Điện Biên để có tư liệu từ thực tiễn, để có sự nhìn nhận khách quan và đặt ra những vấn đề cùng phối hợp nghiên cứu trong thời gian tới. Nên, hội nghị hôm nay có ý nghĩa đặc biệt không chỉ là hội nghị quốc gia bàn về chính sách phát triển toàn diện trẻ em Việt Nam mà còn bàn về trách nhiệm trong công tác trẻ em Việt Nam tham gia có trách nhiệm khi thực hiện Công ước Liên hợp quốc.

Thưa các quý vị,

Xuất phát từ những quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam, đồng thời, là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp quốc khi công bố tham gia Công ước về quyền trẻ em, Việt Nam đã có Luật Trẻ em quy định về quyền, bổn phận của trẻ em, nguyên tắc, biện pháp thực hiện quyền trẻ em, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, trách nhiệm của gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Trong Luật đã ghi rõ Luật được áp dụng đến tất cả các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị giáo dục và trách nhiệm của mọi  gia đình, cá nhân Việt Nam, có sự tham gia của các tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, kể cả cá nhân là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Với trách nhiệm cao nhất, Việt Nam đã khẳng định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, quy định các hành vi bị cấm, xâm phạm đến quyền trẻ em, quy định rõ nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt, trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm phối hợp thực hiện quyền trẻ em và có những quy định rất nhân văn, sự quan tâm đặc biệt đối với đối tượng trẻ em đặc biệt như: trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, khuyết tật, nhiễm HIV... và đã có những chương trình hành động cụ thể để chống lại việc trẻ em bị bóc lột, bị xâm hại tình dục, bị mua bán, nghiện ma túy hay vi phạm pháp luật. Tại Việt Nam, cả nước đã thực hiện tốt tháng 6 là tháng hành động vì trẻ em. Cho nên các quyền từ quyền sống, quyền được chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, giữ gìn bản sắc văn hóa và tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tài sản đều được bảo vệ... thực sự với chế độ ưu việt của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nước đã phấn đấu đạt các mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, trong đó có những vấn đề liên quan đến trẻ em, thể hiện sự quan tâm chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ như Công ước của Liên Hợp quốc, đề cao vai trò của gia đình, trách nhiệm của xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó, có trách nhiệm của việc tổ chức thực hiện, nên tại Hội nghị này rất cần xác định rõ thực trạng, nguyên nhân tồn tại, hạn chế, cần bàn, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề tồn tại của trẻ em, bảo đảm nguyên tắc "dành những gì tốt nhất cho trẻ em, hướng tới tương lai". Để tập trung trong quá trình thảo luận, tôi xin đề xuất các vị quan tâm:

1. Về chính sách phát triển toàn diện trẻ em trong độ tuổi từ 0-8 tuổi. Trong đó chú ý về vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục những kiến thức, hiểu biết cho trẻ, hạn chế tối đa những tiêu cực, nhất là trong môi trường gia đình (hiện nay Chính phủ Việt Nam đã có Nghị quyết số 1437 nhằm tiến tới hiện thực hóa quyền của nhóm trẻ 0-8 tuổi). Do đó, rất cần sự thống nhất và hành động thực hiện có hiệu quả trên thực tế chính sách này.

2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến nhóm vị thành niên. Đây là giai đoạn chuyển tiếp tuổi của vị thành niên để các em được tạo điều kiện phát triển về tinh thần, thể chất trước khi bước vào tuổi trưởng thành, hạn chế những rủi ro, những yếu tố dễ bị tổn thương, tăng cường kỹ năng thích ứng trong quan hệ và ứng xử để các em đủ sức đối phó với những thông tin nhiều chiều, kể cả nâng cao hiểu biết kiến thức, kỹ năng về sức khỏe, giới tính. Nội dung này rất cần đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội bảo vệ các em.

3. Cần lồng ghép các chỉ tiêu về việc thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, nhất là trong kế hoạch trung hạn 5 năm sắp tới. Trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã có sự lồng ghép các nội dung về giáo dục, y tế và chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nội dung này rất cần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền trẻ em và thực hiện quyền trẻ em, vừa bảo đảm tính khả thi, đáp ứng tiến trình hội nhập nhưng cần tuân thủ Luật Trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em có hiệu quả.

Như vậy, một vấn đề lớn đặt ra là hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân như thế nào sao cho có hiệu quả.

Thưa các quý vị!

Tôi cho rằng các nội dung trên là những nội dung rất quan trọng trong tiêu chí phát triển bền vững của đất nước, trong quá trình thực hiện thắng lợi các cam kết và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu thiên niên kỷ, mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời, cũng góp phần tạo ra môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng, công bằng, không phân biệt đối xử. Với quyết tâm không để bất cứ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Với các yêu cầu đó, tôi tin rằng Hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em sẽ thành công tốt đẹp. Chúc các quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội