Tham dự còn có Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Tuý.
Các tham luận được tại hội nghị đều tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình giữa 2 kỳ họp của thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Trong đó chỉ ra những thuận lợi trong việc triển khai Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Họi đồng nhân dân.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị, những bài học kinh nghiệm cụ thể để hoạt động chất vấn thực sự có chiều sâu, thiết thực, giải quyết được những vấn đề bức xúc, khẳng định được vai trò của người đại biểu dân cử như: tự nâng cao năng lực của đại biểu; chủ động nắm bắt thông tin, đặc biệt là các vấn đề nóng của địa phương; trả lời một cách cầu thị, có trách nhiệm, vào thẳng vấn đề được cử tri chất vấn; tăng cường theo dõi, giám sát các cơ quan thực hiện các kết luận sau mỗi phiên giải trình.
Ngoài ra, việc tăng cường mối quan hệ giữa thường trực Hội đồng nhân dân với Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cũng được đề cập, đặc biệt trong việc phối hợp trong hoạt động tiếp xúc cử tri.
Theo bào Đinh Thị Hồng Minh - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, các ý kiến nguyện vọng chính đáng của cử tri cũng được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp trong việc tổng hợp các kiến nghị để gửi tới các kỳ họp, gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh cũng như của trung ương. Trước các kỳ họp, thường lệ của Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đều tổ chức các kỳ họp để đánh giá và bỏ phiếu phân loại các ý kiến của cử tri. Ý kiến nào trả lời được, ý kiến nào trả lời chưa được để qua đó tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng và Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp tục trả lời, giải quyết cho cử tri...
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tham dự và chỉ đạo Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng chỉ ra rằng, xu hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương như hiện nay đã mở rộng phạm vi, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân trong ban hành các chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương. Song hành với đó, cần phải làm rõ và đề cao vai trò trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc với chức năng phản biện xã hội, của tư tưởng “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” để tổ chức thực hiện các chính sách một cách có hiệu quả.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, biểu dương và đánh giá cao tinh thần thẳng thắn của các đại biểu khi đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của HĐND, trao đổi những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả. Thực tiễn công tác quản lý nhà nước của các tỉnh, thành phố trong khu vực đang đòi hỏi HĐND cần phải tăng cường hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình trong hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Thứ nhất, đề nghị HĐND các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cần tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới cách thức làm, không đi theo đường mòn nếp cũ, sáng tạo là rất quan trọng. Thứ hai cần phải tập trung đổi mới ở 3 lĩnh vực. Một là phương thức hoạt động, Hai là nội dung hoạt động, Ba là phong cách hoạt động. Chúng ta phải nâng cao chất lượng lên, phong cách của chúng ta phải gần dân hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị HĐND phải bám sát các Nghị quyết của Đảng, tranh thủ sự ủng hộ cao của tổ chức Đảng các cấp, triển khai tốt việc chuyển tải các Nghị quyết, chủ trương của Đảng thành các cơ sở pháp lý, để thực hiện hiệu quả, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Tiếp tục nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ của đại biểu, các Ban của HĐND, mỗi cán bộ phải thạo về chính trị, giỏi về chuyên môn, phương thức tiếp xúc cử tri cũng phải đổi mới, cụ thể, sát thực; công tác tuyên truyền cũng phải thay đổi, làm sao để hoạt động của HĐND với người dân, với cử tri luôn gần nhau, gắn bó mật thiết với nhau./.