PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI PHÙNG QUỐC HIỂN: TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ

02/02/2019

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 là 7,08%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Các chỉ tiêu đề ra vượt kế hoạch khá lớn. Bên cạnh đó, chưa bao giờ xuất siêu đạt 7 tỷ USD như năm nay. Bước sang năm 2019, cần phải làm gì để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục hội nhập trong tâm thế vững vàng hơn. Nhân dịp đầu xuân mới, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trả lời phỏng vấn Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Phóng viên: Năm 2018, WB đánh giá tốc độ tăng trưởng của Việt Nam rất đáng mừng, cao hơn mục tiêu đề ra của Quốc hội là 6,7%. Phó Chủ tịch có đánh giá về chất lượng tăng trưởng của năm 2018 như thế nào ?

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm cho nên tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng quyết định việc thực hiện nhiệm vụ của 5 năm. Nhìn lại năm 2018, chúng ta vui mừng khi thấy mục tiêu đặt ra từ 6,5-6,7% nhưng chúng ta đã đạt 7,08%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Đó là điều đáng mừng, nhưng tăng trưởng kinh tế chỉ là một phần thôi, quan trọng nhất là chất lượng tăng trưởng.

Chúng ta thấy rằng, chất lượng tăng trưởng năm 2018 đạt được các yêu cầu đặt ra của Quốc hội. Đó là chúng ta đã ổn định được kinh tế vĩ mô, chỉ số CPI đạt dưới 4%, quyết định đến rất nhiều vấn đề tín dụng, thị trường tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ 2 là chúng ta đã đạt được yêu cầu đặt ra về xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất siêu, cán cân thương mại đã chuyển biến hết sức tích cực, cùng với đó thì giải quyết lao động việc làm cũng đạt được mục tiêu đề ra, bội chi ngân sách đạt được, chỉ số trần nợ công, lạm phát đều đạt mục tiêu, không vượt, thậm chí còn hạ so với các năm trước. Điều đó cho thấy cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng có thay đổi căn bản. Cùng với đó mô hình tăng trưởng cũng thay đổi căn bản trong các lĩnh vực, chúng ta chuyển dịch cơ cấu kinh tế về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có những thay đổi mang tính chất chiều sâu hơn, không còn chạy theo chiều rộng nữa.

Ví dụ về vấn đề nông nghiệp. Rõ ràng, chúng ta đã rất mạnh dạn chuyển sang nông nghiệp hữu cơ và chú trọng đến những sản phẩm thế mạnh của chúng ta  để phát triển. Đối với thủy sản, riêng về tôm xuất khẩu tăng rất mạnh, xuất khẩu rau củ quả, gạo… những sản phẩm đều đạt chất lượng rất tốt, đi vào những thị trường khó tính, đạt được con số khoảng 38 tỷ USD. Điều đó chứng tỏ một sự bùng nổ trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, công nghiệp  của chúng ta không chỉ dựa vào khai khoáng nữa, từ dầu khí, khai khoáng, chúng ta giảm dần, chuyển mạnh sang công nghiệp chế biến, chế tạo và có nhiều đột phá trong sản phẩm  công nghệ thông tin, chế tạo ô tô, công nghiệp phụ trợ cũng thay đổi căn bản, đi vào chiều sâu. Trong lĩnh vực dịch vụ có nhiều chuyển biến, dịch vụ  tài chính, ngân hàng, nhất là trong lĩnh vực du lịch, du lịch thay đổi căn bản, có nhiều chuyển biến, đi vào những sản phẩm du lịch có chất lượng cao.

Điều đó nói lên chuyển dịch của chúng ta về cơ cấu kinh tế đi theo mô hình tăng trưởng có thay đổi rất căn bản. Chính nhờ đó, vấn đề văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, tôi đánh giá cao việc thực hiện đổi mới 3 động lực tăng trưởng và giải quyết những khó khăn liên quan đến tài chính, hệ thống tín dụng, giải quyết nợ xấu đạt được kết quả tích cực, rồi đổi mới mô hình doanh nghiệp, cổ phần hóa DNNN cũng đạt được kết quả tích cực, đầu tư công thay đổi được mô hình, các thành phần kinh tế khác đầu tư vào. Nhà nước chỉ đầu tư các lĩnh vực quan trọng, các thành phần kinh tế khác không thể tham gia. Chuyển đổi kinh tế 2018 đạt được rất nhiều thành công , mặc dù còn nhiều tồn tại, khó khăn, hạn chế, nhưng cơ bản đạt tốt. Năm 2018 thay đổi tạo đà, là bản lề để thực hiện nhiệm vụ 2019 và 2020 tốt hơn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Phóng viên: Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2019. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 được đặt ra ở mức 6,6% - 6,8%. Với những mục tiêu như vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng vẫn còn những thách thức như việc còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, hoặc việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đến 2020 nhiệm vụ rất nặng nề, phải thoái vốn 60.000 tỷ đồng. Trước những thách thức như vậy, Phó Chủ tịch có thể cho biết nhiệm vụ cần đặt ra của năm 2019 như thế nào?

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Chúng ta có thể nói rằng kết quả ba năm 2016-2018 đã tạo ra tiền đề rất quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ 2019, 2020. Rất mừng là ba năm vừa qua, chúng ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 6,57% và cao hơn giai đoạn trước chỉ đạt có 5,91%. Chính tiền đề đó là điều kiện rất thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ năm 2019. Tuy nhiên, năm 2019 vẫn tiếp tục xuất hiện những thách thức. Một là tình hình thế giới và khu vực, chiến tranh thương mại của một số nước, cơ chế bảo hộ nền kinh tế bắt đầu xuất hiện ở một số nước, tự do thương mại bị hạn chế cũng sẽ ảnh hưởng đến chúng ta khi chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì những điều đó đều tác động đến chúng ta một cách rất nhanh chóng, thì chúng ta phải lường được những chuyện đó. Thứ hai là biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phức tạp. Chúng ta thấy rằng sạt lở bờ biển, xâm ngập mặn, thiếu nước ngọt … Biến đổi khí hậu không theo một quy luật trước đây nữa. Chúng ta thấy rõ ràng năm 2018 vừa qua, thiên tai phức tạp,  rõ ràng tác động đến chúng ta. Rồi còn những khó khăn nội tại, những tồn tại cũ vẫn còn, vấn đề nợ xấu vẫn còn phải giải quyết, không khải là đã triệt để được, những doanh nghiệp yếu kém, những dự án yếu kém… Việc cải cách thủ tục hành chính của chúng ta cũng còn nhiều cản trở … Tất cả những điều đó là tồn tại và cản trở, thách thức đối với chúng ta.

Phân tích kỹ nữa, cơ cấu kinh tế đã có chuyển đổi tích cực, trong các thành phần kinh tế thì kinh tế nhà nước đã có sự chuyển đổi, cổ phần hóa, cơ cấu lại nhưng vẫn là thành phần kinh tế quan trọng và đồng thời chúng ta lại có cơ chế để thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân theo Nghị quyết của Đảng, biến thành phần này trở thành động lực quan trọng cho những trụ cột phát triển kinh tế đất nước. Chúng ta thấy trong thời gian vừa qua đã có rất nhiều cơ chế, chính sách và thành phần kinh tế này đã chuyển đổi rất mạnh mẽ, chúng ta cũng trông đợi vào sự phát triển này. Bên cạnh đó thì FDI có nhiều chuyển biến mạnh, thu hút đầu tư mạnh, vừa qua chúng ta thấy xuất khẩu thì khu vực FDI chiếm tỷ trọng rất cao, tạo ra sản lượng cho công nghiệp. Tuy nhiên, FDI có mặt mạnh nhưng cũng có hạn chế, đó là có thể có sự thay đổi, ví dụ bây giờ đang có sự dịch chuyển từ các khu vực kinh tế gặp khó khăn chuyển sang những khu vực kinh tế thuận lợi hơn. Chúng ta đang có những thuận lợi thì họ chuyển dịch sang, nhưng nếu chúng ta không giữ được sự thuận lợi này thì họ chuyển dịch sang nước khác, thì có thể dòng vốn xoay chuyển rất nhanh thì chúng ta phải khắc phục vấn đề này. Chúng ta phải tạo môi trường tốt để giữ chân được các nhà đầu tư và đồng thời phải tăng cường sức mạnh, vị thế của chúng ta lên. Bên cạnh khu vực FDI thì phải tăng nội lực, tạo sự phát triển đan xen. Bên  cạnh đó, chúng ta cũng gặp khó khăn về năng lượng, điện, than khi phát triển rất nhanh, tốc độ tăng trưởng 6,8 – 7% thì yêu cầu năng lượng của chúng ta là phải 12- 13%,  thậm chí 15% thì mới đáp ứng được yêu cầu phát triển. Năng lượng của chúng ta có đạt được không, nếu chúng ta không đạt được thì sẽ khó khăn. Cho nên, không chỉ là câu chuyện cải cách thủ tục hành chính mà chúng ta phải tạo ra được hạ tầng. Đó là hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng truyền tải điện, hạ tầng giao thông,… Tất cả những điều đó sẽ giúp cho phát triển bền vững thì năm 2019 chúng ta phải giải quyết được.

Cho nên, quan điểm của tôi là chúng ta phải tập trung vào một số điểm:

- Một là chúng ta phải tập trung vào một là bám sát Nghị quyết của Quốc hội cho 5 năm và hàng năm. Nghị quyết của Quốc hội như ngọn đèn pha, chính là cụ thể hóa đường lối của Đảng bằng pháp luật, là tiêu chí phải bám sát, các cấp, các ngành phải bám sát để thực hiện , trong đó đều chỉ ra các giải pháp cụ thể. Các giải pháp như là điểm tỳ phát lý để các cấp các ngành thực hiện.

- Hai là phải xử lý được những tồn tại yếu kém như vấn đề cổ phần hoá còn chậm, còn phụ thuộc nhiều vào FDI, chất lượng tăng trưởng còn những vấn đề phải xử lý, nợ xấu, các dự án khó khăn, các vấn đề thị trường… phải giải quyết bằng những hành động cụ thể. Không thể nói bằng khẩu hiệu được.

- Ba là phải tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, kiên trì đổi mới cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là trong những lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp phải đi theo hướng một nền nông nghiệp xanh, hữu cơ và một nền nông nghiệp hội nhập, phải đi vào những thị trường khó tính và chỉ khi đi vào những thị trường khó tính, tự chúng ta mới cải tạo được cách làm việc theo cách tiểu nông. Nền nông nghiệp của chúng ta là nền nông nghiệp tiểu nông chứ chưa phải nền nông nghiệp đại nông, cho nên làm chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu thì chúng ta phải chuyển đổi  một cách tích cực từ vấn đề quy hoạch đất đai thế nào, tích tụ ruộng đất thế nào, xử lý vấn đề hợp tác như thế nào, tạo ra chuỗi giá trị như thế nào thì những cái đó chúng ta phải giải quyết. Về công nghiệp, phải khẳng định, chúng ta không thể dựa vào tài nguyên, dựa vào những cái sẵn có mà phải đi vào nền công nghiệp sáng tạo, một nền công nghiệp tri thức, công nghiệp chế biến, công nghiệp gắn với cuộc cách mạng 4.0, không thể khác được. Nếu làm được như vậy mới lâu dài được. Và trong nền kinh tế tri thức thì nguồn tài nguyên tri thức rất quan trọng thì chúng ta phải chú ý đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không thì không đáp ứng được yêu cầu đặt ra của sự phát triển. Đi theo đó thì hoạt động dịch vụ du lịch, tài chính, ngân hàng, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ phải đổi mới, dòng chảy phải liên tục.

Bên cạnh đó, về cơ chế, chúng ta phải tháo gỡ tất cả các rào cản để thực hiện đúng tinh thần của Hiến pháp, công dân có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm, không nên tạo ra những rào cản, nhất là rào cản về hành chính thì càng phải tháo gỡ. Chính những điều đó sẽ hạn chế sự phát triển của chúng ta nên chúng ta phải tháo gỡ. Chúng ta đang có những cơ hội mới, nhất là khi chúng ta đang có 16 FTA thế hệ mới, trong đó có CPTPP là một FTA thế hệ mới mà đòi hỏi chúng ta phải cố gắng rất cao thì chúng ta mới đạt được kỳ vọng. Khi chúng ta hội nhập và tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do, chúng ta phải đối mặt với các thách thức, không thể khác được, và chỉ có đối mặt với thách thức thì chúng ta mới tự mình đổi mới được và chúng ta không bao giờ được hài lòng với những cái chúng ta đã có. Chính vì những áp lực thì buộc phải đổi mới, buộc phải vươn lên, trong khó khăn thì có sáng tạo. Thậm chí chúng ta phải chấp nhận một bộ phận nào đó sẽ không phát triển được, thậm chí phá sản, nhưng những bộ phận mới sẽ đáp ứng được yêu cầu và từ đó sẽ nhân lên những điển hình tốt. Cho nên chúng ta thấy là bên cạnh thách thức thì có cơ hội, bên cạnh khó khăn thì có thuận lợi, quan trọng là chúng ta biết tìm hướng đi cho đúng và biết tranh thủ những cơ hội, biết khắc phục những khó khăn thì chúng ta phát triển.

Phóng viên: Thưa Phó Chủ tịch, tuy nhiên theo dự  báo của WB, đến năm 2019 và 2020, xu hướng phát triển của các nước ASEAN sẽ giảm đi, chứ không phát triển như giai đoạn trước, Phó Chủ tịch có nhận định như thế nào về dự báo này ?

Đúng như vậy. WB đưa ra nhận định đúng. Vì chiến tranh thương mại của một số nước chưa đến hồi kết, thậm chí có thể gay gắt hơn, rồi chủ nghĩa bảo hộ kinh tế xuất hiện, mà thị trường ASEAN là thị trường rất năng động, thị trường càng năng động thì khi càng phát triển lên càng gặp những cản trở nhất định, gặp những hàng rào kỹ thuật, quy định của một số nước mà người ta bảo hộ cho nền kinh tế của họ thì ta gặp khó khăn thì đương nhiên hạn chế sự phát triển. Vậy câu chuyện của chúng ta là gì? Tôi vẫn nói chúng ta phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước ASEAN để tạo ra thị trường trong khối này thông thoáng với nhau và khối này phải có chính sách đồng nhất với nhau và khai thác tốt được thị trường của ASEAN, nguồn lực của ASEAN đã, sau đó vươn ra các thị trường khác.

Chúng ta đã kết thúc năm 2018, bước sang năm 2019. Năm 2019 là năm cũng có thuận lợi, khó khăn. Năm nay là năm Kỷ Hợi thể hiện sự no đủ, biết mình biết người, tôi xin chúc các doanh nghiệp nắm chắc thời cơ, biết mình biết người và phát triển thịnh vượng. Xin chúc đồng bào, nhân dân, cử tri cả nước đón năm mới 2019 thành công. Và chúng ta kỳ vọng vào năm 2019 sẽ có sự phát triển hơn năm 2018, tạo đà để chúng ta hoàn thành được nhiệm vụ của 5 năm 2016- 2020.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch đã trả lời phỏng vấn. Nhân dịp đầu xuân mới, thay mặt Ban Biên tập, xin được chúc cá nhân Phó Chủ tịch và gia đình một năm mới sức khoẻ và hạnh phúc. Tin tưởng dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, nền kinh tế của Việt Nam sẽ có sự phát triển vượt bậc hơn năm 2018. Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!

Song Hiền