Tham dự hội nghị còn có Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương cùng lãnh đạo, cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước
Năm 2018 là năm có ý nghĩa quan trọng trong đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020, năm Kiểm toán Nhà nước tổ chức Đại hội các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 và đảm nhận vai trò Chủ tịch nhiệm kỳ 2018-2021. Đây cũng là năm Kiểm toán Nhà nước tổ chức triển khai kiểm toán đối với niên độ ngân sách đầu tiên theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.
Tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, không ngừng cố gắng, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thách thức, toàn ngành Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Toàn ngành kiểm toán đã hoàn thành cơ bản các cuộc kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2018, các báo cáo kiểm toán được khẩn trương hoàn thành trước ngày 31/12/2018. Nổi bật trong năm, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017, Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Kế hoạch kiểm toán năm 2018 được xây dựng chủ động, khoa học, minh bạch, chi tiết đến đầu mối kiểm toán giảm thiểu sự chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và thanh tra. Năng lực, chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán tiếp tục đưcoj nâng lên trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính, tang cường ứng dụng công nghệ thong tin, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.
Kết quả kiểm toán với tổng xử lý tài chính năm 2018 là 89.600 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 44.466 tỷ đồng, tang 18,39% so với năm 2017; chuyển 05 vụ việc sang Cơ quan điều tra, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện 115 văn bản; cung cấp 146 báo cáo kiểm toán cho các cơ quan trung ương, Ban Nội chính, Quốc hội, Chính phủ, và cơ quan quản lý nhà nước để giám sát; cung cấp thông tin phục vụ kỳ họp Quốc hội, các Đoàn giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan. Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước tổ chức thành công Đại hội ASOSAI 14 được bạn bè quốc tế đánh giá cao, từng bước khẳng định sự phát triển lớn mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong cộng động các Cơ quan Kiểm toán tối cao trên thế giới.
Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước xác định nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong đó có sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước, xây dựng văn bản hướng dẫn Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước, quy trình kiểm toán môi trường và kiểm toán công nghệ thông tin. Tổ chức thực hiện 190 cuộc kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2019. Tiếp tục củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thể hiện vai trò dẫn dắt, tiên phong trên cương vị là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ sự nhất trí với Báo cáo tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã bám sát các nghị quyết, các chủ trương của Đảng và pháp luật của nhà nước, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đánh giá, xác nhận đúng đắn, trung thực, góp phần tích cực vào việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng. Với sự nỗ lực bảo đảm nguyên tắc độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, trung thực, khách quan, công khai, minh bạch, Kiểm toán Nhà nước đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có việc Quốc hội đã dựa vào các kết quả kiểm toán để xem xét, quyết định và giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, các kế hoạch tài chính, đầu tư công ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Hoan nghênh những kết quả, thành tích và các khó khăn, hạn chế của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2018 đã được toàn ngành phân tích, đánh giá cụ thể trong báo cáo với thái độ thẳng thắn, cầu thị, xây dựng, hợp tác, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận, kiến nghị về xử lý tài chính trong năm 2018 của Kiểm toán nhà nước là rất cao (89.600 tỷ đồng), riêng kiến nghị về tăng thu, giảm chi NSNN là 44.466 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Với kết quả này, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tích cực vào việc quản lý hiệu quả ngân sách, tài sản Nhà nước và việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán. Cùng với kiến nghị xử lý tài chính, thì việc kiến nghị hoàn thiện pháp luật về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 115 văn bản và nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn là hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra 05 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cung cấp 146 báo cáo kiểm toán, hồ sơ, tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như: Ủy ban kiểm tra TW; Ban Nội chính; các cơ quan Quốc hội…) để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và đã gửi nhiều Báo cáo Chuyên đề cung cấp thông tin phục vụ kịp thời các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Đoàn giám sát của Quốc hội. Hoạt động kiểm toán đã tập trung đi sâu vào việc đánh giá các vấn đề vĩ mô, đã bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước để thực hiện kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, những vấn đề mà xã hội quan tâm; đã tập trung đánh giá về cơ chế, chính sách để qua đó kịp thời kiến nghị khắc phục, hoàn thiện, chống thất thoát, lãng phí. Kiểm toán nhà nước đã tập trung, quyết liệt triển khai có hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản thi hành Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 làm cơ sở pháp lý nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán, cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục rườm rà, hình thức.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã chủ động hội nhập sâu rộng với các nước và các tổ chức đa phương, trong đó đã có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức, cơ quan kiểm toán có uy tín trên thế giới và đã tổ chức rất thành công Đại hội các cơ quan kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 diễn ra tại Hà Nội trong tháng 9 năm 2018 và đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, đây là điểm nhấn quan trọng của Kiểm toán Nhà nước trong hoạt động hợp tác quốc tế.
Thay mặt lãnh đạo lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao và biểu dương những kết quả, thành tích của Kiểm toán Nhà nước đã đạt được trong năm 2018; khẳng định, với những kết quả đạt được, Kiểm toán Nhà nước đã ngày càng có uy tín với quốc tế và tạo được niềm tin với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân. Kiểm toán Nhà nước đã thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò của mình, giúp cho Quốc hội, Chính phủ nắm được tình hình kịp thời, sát thực tế để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành trong hoạt động lập pháp và hành pháp.
Cho biết, công cuộc đổi mới đang ở giai đoạn quan trọng, bên cạnh thành tựu đạt được cũng có những nguy cơ và không ít thách thức; cùng với đó, năm 2019 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước phải phát huy những thành quả đã đạt được, nhưng phải gắn với tình hình thực tế, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo; để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng và của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 cũng như cả nhiệm kỳ, Kiểm toán Nhà nước cần chủ động, sáng tạo, kiên quyết hơn trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời quan tâm đến một số nội dung trọng tâm như sau:
Một là, phải luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt và thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; chủ động phối hợp và kịp thời cung cấp các thông tin, phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Hai là, khẩn trương nghiên cứu, soạn thảo và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước theo Kế hoạch 735-KH/ĐĐQH14 ngày 18/01/2018 của Đảng đoàn Quốc hội và Nghị quyết số 613/2018/ UBTVQH14 ngày 13/12/2018 về điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kiểm toán Nhà nước một cách đầy đủ, hiệu quả, có chất lượng.
Ba là, tăng tường và phát huy tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước, cũng như của kiểm toán viên nhà nước, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại hóa; đồng thời bảo đảm công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ để không ngừng tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động.
Bốn là, kiện toàn công tác cán bộ và không ngừng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức; đề cao đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm những cá nhân liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật, những biểu hiện sai trái, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Năm là, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, khẳng định vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, nâng cao vị trí, hình ảnh của cơ quan Kiểm toán Nhà nước nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao bằng khen và cờ thi đua của Kiểm toán Nhà nước cho Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, hiện nay, vị thế của Kiểm toán Nhà nước đang được đề cao; quyền hạn, trách nhiệm đã được mở rộng; Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, ủng hộ, nhưng cũng đòi hỏi, mong muốn Kiểm toán Nhà nước làm tròn trách nhiệm của mình là: Đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công kịp thời, chính xác, minh bạch. Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Nhà nước không để kiểm toán viên Nhà nước, cộng tác viên Kiểm toán Nhà nước có những hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho các đơn vị kiểm toán hoặc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của các đơn vị được kiểm toán, hoặc báo cáo sai lệch, hoặc không đầy đủ, hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi như đưa – nhận – môi giới hối lộ hoặc tiết lộ bí mật nhà nước.
Bày tỏ tự hào về sự trưởng thành của đội ngũ kiểm toán Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng, với khí thế mới, niềm tin mới, Kiểm toán Nhà nước sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, gian khổ, chung sức, chung lòng, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Nhân dịp chuẩn bị đón Xuân mới Kỷ Hợi, thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công đến các đại biểu, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm toán Nhà nước.
* Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng cho các tập thể và cá nhân của Kiểm toán Nhà nước.