Thưa Chủ tịch Quốc hội, năm 2018 là năm giữa nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội có thể đánh giá về những kết quả nổi bật trong hoạt động của Quốc hội năm vừa qua?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Năm 2018 đánh dấu nửa nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đã đi qua trong bối cảnh thế giới có những biến động nhanh và phức tạp hơn, tình hình kinh tế, chính trị thế giới bị ảnh hưởng không nhỏ bởi chủ nghĩa bảo hộ thương mại, trào lưu dân túy... Trong bối cảnh ấy, chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức tích cực và toàn diện, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 7,08%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ năm 2008 trở lại đây.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3,54%, đạt mục tiêu dưới 4% Quốc hội giao. An sinh xã hội và đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh chính trị được giữ vững, hoạt động tư pháp, công tác xây dựng chính quyền có nhiều đổi mới, hoạt động đối ngoại mang lại nhiều kết quả tích cực, vị thế của nước ta không ngừng được nâng cao trong khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Soi chiếu trên ba chức năng của Quốc hội, gồm: Thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, có thể thấy, năm 2018 Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng lớn các công việc, được cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao.
Trong năm qua, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để xem xét, thảo luận toàn diện, kỹ lưỡng và đã thông qua 16 dự án luật, trong đó có một số dự án luật quan trọng, như: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật An ninh mạng, Luật Công an (sửa đổi), Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học… để tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, về giáo dục… Đồng thời, Quốc hội cũng cho ý kiến về 6 dự án luật khác làm cơ sở để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.
Trong hoạt động lập pháp, Quốc hội luôn trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, cũng như các nghị quyết. Trong quá trình xem xét, cho ý kiến, đối với những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau của các dự án Luật đều được Quốc hội cân nhắc thận trọng, thảo luận kỹ, gửi phiếu xin ý kiến trước khi biểu quyết thông qua để bảo đảm chất lượng, cũng như tính khả thi của dự án luật.
Kỳ họp thứ 6, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta, được Nhân dân và cử tri đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng với các văn kiện có liên quan. Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này. Điều đó có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới.
Trong năm qua, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được tăng cường. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tổ chức nhiều hoạt động giám sát, tổ chức các phiên giải trình có nội dung thiết thực, ý nghĩa. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiếp tục đổi mới, cải tiến, trong đó nét nổi bật là tiến hành hoạt động chất vấn theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, tranh luận sôi nổi, làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn. Nhờ rút ngắn thời lượng hỏi lẫn trả lời nên đã khắc phục đáng kể tình trạng câu hỏi dài, câu trả lời chưa đi trực tiếp vào vấn đề và đã giúp cho số lượt chất vấn, cũng như tranh luận tăng hơn.
Tại Kỳ họp thứ 6, qua phản ánh của báo chí và tiếp xúc cử tri cho thấy, nhiều cử tri quan tâm, đánh giá cao việc tổ chức chất vấn, giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Qua hoạt động này cho thấy, Quốc hội luôn quan tâm, theo dõi sát sao đối với hoạt động của Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, vừa là để ghi nhận kết quả đạt được, cũng là để nhắc nhở, đôn đốc tiếp tục thực hiện các yêu cầu của Quốc hội đã được nêu trong các Nghị quyết của Quốc hội.
Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, nên theo quy định Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Quốc hội đã thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm và thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu cơ bản phản ánh khách quan, sát thực với tình hình. Quốc hội mong muốn những cá nhân được lấy phiếu tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong công tác lãnh đạo, điều hành, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân và cử tri.
Năm 2018, cũng là năm mà hoạt động ngoại giao nghị viện tiếp tục được đẩy mạnh trên cả bình diện song phương và đa phương. Cùng với đó, Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế, góp phần vào thành tựu chung đạt được trong công tác đối ngoại của đất nước.
Những kết quả đạt được trong hoạt động của Quốc hội năm vừa qua đã tăng thêm niềm tin của cử tri và Nhân dân, tạo động lực để Quốc hội tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV.
Xin Chủ tịch Quốc hội chia sẻ những trọng tâm công tác và yêu cầu nhiệm vụ mới của Quốc hội trong thời gian tới?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Năm 2019 là năm tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và chương trình của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng cả hệ thống chính trị đang vào cuộc với quyết tâm chính trị rất cao, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, quan hệ đối ngoại...
Về phần mình, trên tinh thần đổi mới, sáng tạo và luôn hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, Quốc hội sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra.
Trong công tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Theo đó, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phát huy trí tuệ, nghiên cứu tài liệu, nắm bắt thực tiễn, lắng nghe ý kiến của cử tri, các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân để khi xem xét, thảo luận, thông qua các dự án luật phải đảm bảo chất lượng và tính khả thi.
Quốc hội tiếp tục tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; tiến hành giám sát việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước; thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”...
Cùng với đó, căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình và tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng, Ủy ban. Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, phối hợp và tiến hành hoạt động giám sát, báo cáo kết quả theo quy định của pháp luật...
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Theo đó, mục tiêu đặt ra là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Với trọng trách là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tôi cho rằng, đại biểu Quốc hội cần tiếp tục thường xuyên lắng nghe, giải đáp tâm tư, nguyện vọng và nói lên tiếng nói của người dân các vùng, miền cũng như đồng bào sống xa Tổ quốc, để từ đó có các quyết sách phù hợp vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển của đất nước.
Bước sang năm thứ 4 của nhiệm kỳ thứ XIV, Quốc hội sẽ tiếp tục chú trọng đến hoạt động của mình để đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao hơn và coi đó là kim chỉ nam trong hoạt động của mỗi đại biểu Quốc hội nói riêng và Quốc hội nói chung.
Chủ tịch Quốc hội có thể chia sẻ về công tác ngoại giao nghị viện, cũng như hoạt động góp phần thúc đẩy việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Năm 2018 đánh dấu những thành công nổi bật trong công tác đối ngoại của Quốc hội, cả về phương diện song phương và đa phương. Có thể thấy, trong những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo Quốc hội/Nghị viện các nước trong năm qua, các nhà lãnh đạo đã nhận định, mối quan hệ giữa các cơ quan lập pháp là nền tảng, là trụ cột, tạo động lực bổ sung cho mối quan hệ song phương phát triển tốt đẹp.
Quốc hội Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) vào năm 1979. Từ đó tới nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại diễn đàn này, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Năm 2009, đại diện của Quốc hội Việt Nam giữ vị trí Phó Chủ tịch IPU và năm 2018, đại diện của Quốc hội Việt Nam tiếp tục đảm nhận vị trí này.
Tiếp tục góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, trong hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, năm qua, Quốc hội Việt Nam đã tham dự Ðại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 138 và lần thứ 139 tại Geneva, Thụy Sỹ; dự Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 39 (AIPA-39) tại Singapore; dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu lần thứ 3 (MSEAP 3) tại Thổ Nhĩ Kỳ, dự Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu...
Tại các diễn đàn này, Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp rất trách nhiệm vào chương trình nghị sự, cũng như thành công của sự kiện, được các nước thành viên đánh giá rất cao. Trong đó, Quốc hội đã đề xuất các nước cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030; đặt ra vấn đề là Nghị viện/Quốc hội các nước có trách nhiệm thúc đẩy chính phủ các quốc gia trong khu vực liên kết kinh tế, đẩy mạnh thương mại đa phương để góp phần cho sự tăng trưởng của từng quốc gia và khu vực; đề xuất các nước cùng chung tay hỗ trợ khắc phục tác động của biến đổi khí hậu…
Năm 2018, Quốc hội đã tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững” tại Hà Nội. Điểm nhấn của Hội nghị này là Tuyên bố Hà Nội, định hình tầm nhìn hợp tác APPF đến năm 2030, đã được nghị viện các nước đánh giá cao. Và vào tháng 12/2018 vừa qua, Quốc hội đã phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị “Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững” và phổ biến nội dung “Bộ công cụ tự đánh giá Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững” bằng tiếng Việt tại thành phố Đà Nẵng.
Đây là những nội dung hết sức cô đọng, mang tính chất định hướng, các tiêu chí đánh giá được đưa ra để Quốc hội các nước cùng tham khảo, áp dụng nhằm tăng cường vai trò của Quốc hội đối với việc triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững ở mỗi quốc gia.
Việt Nam được chọn là một trong những quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương công bố Bộ Công cụ này tới các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vào cuối năm qua. Và từ nay trở đi, trên cơ sở tham khảo bản tiếng Việt "Bộ Công cụ các Nghị viện tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững", Quốc hội Việt Nam sẽ thường xuyên lồng ghép vào thực hiện, cũng như giám sát việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trong báo cáo kinh tế -xã hội hằng năm.
Trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện đầy đủ hơn các cam kết quốc tế đã ký kết. Trên tinh thần đó, Quốc hội sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện trên thực tế.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được phê chuẩn. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ đem đến những cơ hội cho doanh nghiệp, tuy nhiên đi cùng với đó là những thách thức đan xen. Về phần mình, Quốc hội sẽ hoàn thiện các điều kiện cần thiết và xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, “nội luật hóa” các quy định trong Hiệp định này, cũng như góp phần đẩy mạnh vận động sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Giai đoạn 2019 - 2020 có thể nói là giai đoạn “nước rút” của nhiệm kỳ, khối lượng công việc của Quốc hội về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng là rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan của Quốc hội, của từng đại biểu Quốc hội. Trên đà của những năm đầu nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa, phấn đấu xây dựng một Quốc hội đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Trước thềm Xuân mới Kỷ Hợi 2019, tôi bày tỏ mong muốn nhân dân, cử tri cả nước, cũng như đồng bào ta ở nước ngoài luôn đoàn kết, đồng tâm hiệp lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Một mùa Xuân mới đang về, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin gửi lời Chúc mừng năm mới tới đồng bào, chiến sỹ và cử tri trên mọi miền đất nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và đạt nhiều thành công!
Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội!