Cùng tham gia Đoàn công tác có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang; đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cà Mau |
Về phía tỉnh Cà Mau có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND và các sở, ngành chức năng.
Kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cho thấy, Cà Mau tiếp tục phát triển ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng. Tính đến cuối năm 2018, tỉnh có 15/20 chỉ tiêu Nghị quyết đạt trên 50%, trong đó có 3 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch cả nhiệm kỳ, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 6,36%, tăng 0,36% so với giai đoạn 2011-2015. Các lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển cùng với việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020…
Về tác động của biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở biển, đê biển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho biết, thời gian qua, tình hình xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn diễn ra rất nhanh và ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển đã bị mất khoảng 8.870 ha (trung bình mỗi năm 800 ha), đặc biệt là nguy cơ cao gây vỡ đê biển Tây khu vực xói lở có chiều dài khoảng 57.000 m, nhiều đoạn có nguy cơ gây vỡ đê, trong đó có 3 vị trí xói lở rất nguy hiểm, chiều dài khoảng 7.800. Đối với bờ biển Đông, tình hình xói lở có chiều dài khoảng 48.000 m, trong đó có hơn một nửa sạt lở rất nguy hiểm, nhiều đoạn xói lở “ngoạm” mất đất rừng từ 80 đến 100m.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển khảo sát thực tế tại Cà Mau
Cà Mau kiến nghị QH, Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ vốn để xây dựng bờ kè, chống sạt lở, bố trí kinh phí để thực hiện việc di dời, tái định cư cho người dân chịu ảnh hưởng bởi sạt lở ở những vùng ven biển, cửa sông theo Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21.11.2012 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, qua rà soát trên địa bàn thị trấn Năm Căn và vùng lân cận xã Hàng Vịnh có 1.126 hộ dân sống ven sông có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở cần được di dời, trong đó hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 300 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư, di dời khẩn cấp 356 hộ sống ven sông có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tổng kinh phí đầu tư cho các dự án kè cứng sông, biển vùng sạt lở, trồng cây chống sạt lở khoảng 1.530 tỷ đồng đã được lên phương án và rất cần QH, Chính phủ đầu tư.Về sạt lở bờ sông cũng diễn biến phức tạp, khó lường. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, đã sạt lở 4.438m đất ven sông. Nguy hiểm hơn là sạt lở thường xảy ra vào ban đêm, nên nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân rất cao. Qua kết quả khảo sát của tỉnh cho thấy, có 27 vị trí sạt lở với tổng chiều dài gần 38.000 m, trong đó có 8 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến1.047 hộ dân tại xã Tân Tiến (Đầm Dơi), khu vực Kênh Tắc và sông Cửa Lớn (Năm Căn). Để khắc phục, Cà Mau đã và đang áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống, xử lý, khắc phục xói lở nhiều vị trí với tổng chiều dài 23.667 m, tổng mức đầu tư hơn 652 tỷ đồng. Kết quả bước đầu đã tạo được bài bối phía bên trong và một phần bên ngoài kè, khôi phục lại được hàng trăm ha rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, việc đầu tư xây bờ kè để chống sạt lở, bảo vệ tài nguyên đất đai, không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, từ đó phát triển kinh tế - xã hội là hết sức cần thiết, trong đó có thị trấn Năm Căn và xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi. Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, phải quyết tâm di dời người dân, phải giao đất, giao rừng để bảo đảm sinh kế cho người dân. Sau đó sẽ kè cứng và làm cầu cảng để người dân lên xuống thuận tiện, vừa chống sạt lở, có thể tiếp tục trồng đước để lấn biển, tạo cảnh quan và đảm bảo môi trường.
Đoàn công tác của QH khảo sát cửa biển Vàm Xoáy xã Đất Mũi huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau |
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đánh giá cao kết quả Cà Mau đạt được, đồng thời nêu rõ, Cà Mau đã phát huy được thế mạnh như chế biến thủy sản, khí điện đạm và phát triển du lịch. Đây là 3 trụ cột kinh tế của địa phương. Các công tác xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm đời sống của người dân, quốc phòng, an ninh được giữa vững, giáo dục đào tạo được củng cố và phát triển.
Phó Chủ tịch QH đề nghị trong 2 năm tới Cà Mau cần tích cực hơn nữa để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đặt ra. Là tỉnh có thế mạnh về kinh tế biển, Cà Mau nên chăng có một chương trình hành động từ quy hoạch đến tổ chức và lựa chọn ưu tiên những nhà đầu tư và phát triển kinh tế biển, Phó Chủ tịch QH gợi mở.
Về hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch QH cho rằng, cần “sống chung” và phải coi khó khăn vừa là thách thức vừa là cơ hội, thuận lợi để tìm được hướng đi phù hợp. Đồng thời, phải hướng mạnh ra biển để gắn kinh tế biển với nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản để tạo ra chuỗi giá trị cao và bảo vệ vùng biển. Phát huy thế mạnh khác là phát triển điện gió, điện mặt trời với công nghệ phù hợp và tích cực.
Hiện QH đã dành 10 nghìn tỷ đồng để các tỉnh chống sạt lở bờ biển và bờ sông. Và Cà Mau là địa phương có nguy cơ xâm nhập mặn và úng ngập rất sâu so với 6 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ rõ thực tế này, Phó Chủ tịch QH cho rằng, phải có cơ chế khẩn cấp ưu tiên để kè chống sạt lở, kè chống thấm, chống sóng để chắn sóng đánh vào bờ và tạo bồi lắng. Vấn đề di dân, ổn định khu dân cư phải trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm.
+ Trước đó, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác của QH đã khảo sát tình hình sạt lở tại của biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển; tình hình khắc phục sạt lở tại khu vực Mũi Cà Mau (Đất Mũi) và tình hình sạt lở tại Khai Long./.