KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 23 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHÓA XIV

10/04/2018

Sáng 10/04, tại phòng họp Tân Trào – Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 23 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phiên họp được tiến hành từ ngày 10/04 đến ngày 17/4/2018.

Toàn cảnh phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Tại phiên họp lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 08 dự án Luật bao gồm: dự án Luật Cảnh sát biển; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, dự án Luật Chăn nuôi, dự án Luật Trồng trọt; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Xây dựng, Nhà ở, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản; cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Một trong những nội dung quan trọng cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp lần này là về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các nội dung: Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

Khai mạc phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là phiên họp với nhiều nội dung quan trọng sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.  Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Chương trình phiên họp thứ 23 có sự điều chỉnh nhiều nội dung so với kế hoạch ban đầu. Cụ thể, rút khỏi phiên họp 03 dự án luật bao gồm: Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Dược, An toàn thực phẩm, Phòng, chống tác hại thuốc lá, Điện lực, Hóa chất, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Khoa học và Công nghệ, Trẻ em, Công chứng, Đầu tư. Qua đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo các bộ ngành có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan và các cơ quan của Quốc hội bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các nội dung trước khi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình phiên họp để tránh việc phải điều chỉnh, bổ sung vào và rút ra như thời gian vừa qua cũng như tại phiên họp này. Ngoài ra, có 2 nội dung cũng rút ra khỏi chương trình phiên họp đó là dự án luật Dân số vì cần có thời gian chuẩn bị để tiếp tục hoàn thiện thêm và đề án thành lập 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được chuyển sang phiên họp Ủy ban Thường vụ sau khi Quốc hội thông qua luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 5 để có căn cứ pháp lý chính thức cho việc hoàn thiện đề án.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, để đảm bảo cho phiên họp đạt chất lượng cao đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện các cơ quan, tổ chức dành thời gian dự họp đông đủ, đúng thành phần đồng thời nghiên cứu tài liệu để xem xét, cho ý kiến các vấn đề của phiên họp đã đề ra.

Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát biển dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Ty.

 

Lê Anh - Trọng Quỳnh