Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa
Báo cáo với Chủ tịch QH và Đoàn công tác, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng nêu rõ, trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh vẫn có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khả quan và toàn diện: kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, cao hơn bình quân của cả nước và nhiều tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ; GRDP bình quân đầu người năm 2017 tăng gấp 2,1 lần so với năm 2010. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được chăm lo; đời sống nhân dân cải thiện; giáo dục mũi nhọn duy trì được thành tích và đạt kết quả tốt nhất trong nhiều năm gần đây. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, một số mặt có chuyển biến rõ rệt. Ngay từ năm 2016, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai, đưa nhanh các nghị quyết vào cuộc sống. 5 chương trình trọng tâm, 4 khâu đột phá và nhiều nghị quyết chuyên đề, các cơ chế, chính sách lớn thiết thực cho đời sống nhân dân đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nêu rõ: Chất lượng tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế nhìn chung còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư vào địa bàn; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với trung bình cả nước; hoạt động di dân tự do, buôn bán ma túy trên tuyến biên giới còn diễn biến phức tạp. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn hạn chế. Chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số lĩnh vực, ngành, địa phương còn bất cập. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý cán bộ, đảng viên của một số tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa tốt.
Hiện nay, Thanh Hóa cũng đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện nhiều công trình, dự án quan trọng, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Khu Kinh tế Nghi Sơn; dự án nạo vét luồng tàu ra, vào cảng Nghi Sơn bao gồm đoạn từ bến số 4 đến Đê Bắc và đoạn từ bến số 4 vào Khu Gang thép Nghi Sơn; dự án đường giao thông từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây đi Cảng Nghi Sơn; dự án đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn giai đoạn 1; tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thanh Hóa…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, bảo đảm an sinh xã hội... Chủ tịch QH đánh giá cao hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và HĐND các cấp của tỉnh Thanh Hóa, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân địa phương.
Ghi nhận những chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng tại Thanh Hóa, Chủ tịch QH cũng đề nghị tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong vụ việc kỷ luật cán bộ vừa qua. Đây không chỉ là vấn đề kỷ luật đối với cá nhân cán bộ, đảng viên mà còn là mất mát của tập thể Đảng bộ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, gây tâm tư trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phải nâng cao năng lực và tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tạo ra bầu không khí mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân bước vào năm 2018. Tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải đoàn kết, thống nhất, đổi mới và năng động hơn nữa để tạo đột phá, chuyển biến mới cho Thanh Hóa trong thời gian tới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Nhất trí với nhiệm vụ, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới; cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa là khá cao, Chủ tịch QH đề nghị, cần tính toán kỹ lưỡng cơ sở để đạt được mục tiêu này, đồng thời chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững...
Chủ tịch QH lưu ý, phát triển kinh tế phải toàn diện, đồng đều, có điểm nhấn, có các ngành, doanh nghiệp chủ lực nhưng cũng không nên quá phụ thuộc vào khu kinh tế Nghi Sơn, tránh trường hợp khu kinh tế này “hắt hơi, sổ mũi” là ảnh hưởng ngay đến thu ngân sách và sự phát triển của địa phương. Chủ tịch QH hoan nghênh việc Thanh Hóa đã chủ động triển khai xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể đến năm 2030 với 5 trụ cột; cho rằng, địa phương còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
Chủ tịch QH cho rằng, một thách thức lớn hiện nay của Thanh Hóa là chất lượng tăng trưởng còn hạn chế. Thanh Hóa muốn đầu tư hạ tầng đồng bộ để phát triển nhanh nhưng nguồn lực đầu tư còn khó khăn. Ngay như Khu Kinh tế Nghi Sơn, dù đã được Chính phủ lựa chọn là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 nhưng đến nay, ngân sách Trung ương bố trí cũng còn hạn chế. Hay dự án nạo vét luồng tàu ra, vào cảng Nghi Sơn, tuyến luồng chính phục vụ cho hoạt động chung của cảng nhưng đến nay toàn bộ dự án cũng chưa được bố trí vốn đầu tư, khó kêu gọi các nhà đầu tư cảng biển…
Ghi nhận những khó khăn này, Chủ tịch QH nêu quan điểm, những vấn đề thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách Trung ương thì Trung ương sẽ có trách nhiệm nghiên cứu tháo gỡ. Trên tinh thần này, Chủ tịch QH yêu cầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế tổng hợp, báo cáo UBTVQH để khi các bộ, ngành, Chính phủ trình kế hoạch đầu tư công trung hạn, phân bổ dự toán ngân sách Trung ương… thì UBTVQH, QH sẽ có cơ sở nghiên cứu, cân đối, xử lý trong tổng thể chung của cả nước. Những kiến nghị chính đáng, hợp lý sẽ được giải quyết, tháo gỡ và phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch QH cũng giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách làm việc với các bộ, ngành xác định rõ, đâu là trách nhiệm Trung ương, đâu là trách nhiệm địa phương, có tháo gỡ được không cũng phải trả lời cụ thể cho địa phương.