Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoại nhiệm kỳ 2017- 2020

13/07/2017

Chiều 13/7, tại phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2017- 2020 mới được bổ nhiệm đến chào nhân dịp chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ công tác.

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; các Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; đại diện Bộ Ngoại giao, lãnh đạo một số Vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi tiếp                                            Ảnh: Đình Nam

Nhiệt liệt chúc mừng 29 đồng chí được Đảng, Nhà nước bố nhiệm làm Trưởng Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2017- 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, đây là một trong những trọng trách vinh quang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, thực hiện theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đây là lần thứ tư Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tin tưởng chắc chắn rằng, các đồng chí sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Biểu dương những thành tích và nỗ lực của Bộ Ngoại giao nói riêng và các lực lượng đối ngoại nói chung trong thời gian qua, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, ngành ngoại giao nói chung và các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện nói riêng đã xử lý khôn khéo, hiệu quả, góp phần vào việc giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền tổ quốc, tạo thuận lợi cho việc thu hút nguồn lực bên ngoài và nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam.

Cùng với vai trò và vị thế của đất nước được khẳng định và đề cao trên trường quốc tế, quan hệ đối ngoại của Quốc hội cũng ngày càng được mở rộng hiệu quả và thực chất hơn, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các bạn bè truyền thống và các Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện. Cho đến nay, Quốc hội Việt Nam đã có quan hệ với 140 Nghị viện các nước, chủ động, tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại giao Nghị viện song phương, đa phương, là thành viên của nhiều tổ chức hợp tác Nghị viện khu vực và thế giới quan trọng như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Liên minh Nghị viện cộng đồng Pháp ngữ (APF), Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương (APPF), Diễn đàn đối tác Nghị viện Á- Âu (ASEP).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đối ngoại Quốc hội đã góp phần làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các đối tác và bạn bè trên thế giới. Với những đặc thù của ngoại giao Nghị viện, đối ngoại Quốc hội có những kênh trao đổi với các Nghị sỹ Nghị viện các nước, từ đó, có thể tận dụng để phối hợp với đối ngoại Nhà nước để vận động và đấu tranh trong xử lý các vấn đề về biên giới, lãnh thổ, Biển Đông, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo… Thông qua các Nghị sỹ, có thể tạo sự chuyển biến tích cực trong thái độ của Chính phủ, Nghị viện chính giới và nhân dân các nước đối với Việt Nam, tạo thuận lợi trong việc phê chuẩn và thúc đẩy thực hiện các chính sách tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển ODA, chuyển giao công nghệ, hợp tác giáo dục- đào tạo, giao lưu nhân dân và nhiều lĩnh vực khác.

Để đạt được những thành tựu đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các cơ quan của Quốc hội đã nhận được sự phối hợp và hỗ trợ hết sức kịp thời, hiệu quả của Bộ Ngoại giao trong triển khai hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Bộ Ngoại giao đã hợp tác rất chặt chẽ với Ủy ban Đối ngoại trong việc tham mưu và thực hiện chương trình, kế hoạch triển khai các hoạt động song phương và đa phương; các chuyến thăm, tiếp xúc đối ngoại của lãnh đạo và các cơ quan của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, trong những năm gần đây, hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát của Quốc hội góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình hội nhập của đất nước. Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng có yếu tố nước ngoài, tạo hành lang pháp lý phù hợp cho hội nhập quốc tế. Việc thông qua Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở chính trị- pháp lý toàn diện trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, tình hình chính trị- an ninh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp; các nhân tố hướng nội, bảo hộ đang trỗi dậy mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, khu vực; cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, xung đột vũ trang, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng, những hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên diễn ra ở nhiều nơi. Trong bối cảnh đó, đất nước ta bên cạnh nhiều thuận lợi cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đánh giá nhiệm vụ của ngành Ngoại giao nói chung và của các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ nhiều hơn, phức tạp và nặng nề hơn trước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh:

Thứ nhất, đất nước ta đang đứng trước một giai đoạn phát triển mới. Công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng, quan hệ với các đối tác được thúc đẩy và làm sâu sắc. Các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ là những người kế thừa những tài sản quý báu đó và có trách nhiệm phát triển các mối quan hệ sâu sắc và thực chất hơn, chú ý xử lý tốt những vướng mắc cụ thể còn tồn tại.

Thứ hai, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng; việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn đã mở ra nhiều cơ hội mới để thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển, thúc đẩy cải cách trong nước, song cũng sẽ đặt ra những thách thức, sức ép to lớn đối với doanh nghiệp của ta. Các Cơ quan đại diện tại nước ngoài cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước để quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư nước ngoài; xúc tiến thương mại, tìm hiểu, mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản phi thuế quan, xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho nông sản phẩm, hỗ trợ cho bà con nông dân. Hiện nay, nước ta đang rà soát các quy định pháp lý, kiện toàn hệ thống pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, do đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài dành thời gian tìm hiểu kinh nghiệm của các nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền, điều chỉnh hệ thống luật pháp để phục vụ hiệu quả cho hội nhập quốc tế của đất nước.

Thứ ba, nhân dân và cử tri cả nước hết sức quan tâm đến vấn đề chủ quyền, lãnh thổ. Tình hình Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, là thách thức lớn đối với việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển của nước ta. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông sẽ còn kéo dài, bền bỉ, vì vậy, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần dựa vào luật pháp quốc tế, chủ động tham mưu, đề xuất kiến nghị các giải pháp phù hợp với lợi ích của nước ta và với luật lệ quốc tế, đồng thời đẩy mạnh các cuộc vận động nhằm tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước và của cộng đồng quốc tế.

Thứ tư, việc ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh mạng, nạn buôn người... và thúc đẩy tăng trưởng bền vững là những vấn đề liên quan sát sườn đến cuộc sống của nhân dân, đây cũng là một xu thế lớn của hợp tác quốc tế. Các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với tri thức, công nghệ mới nên cần có kế hoạch tranh thủ tối đa các nguồn lực tài chính, kỹ thuật, khoa học... để giúp đất nước, đồng bào ứng phó hiệu quả với những thách thức này giúp nước ta phát triển bền vững hơn.

Thứ năm, hết sức chú trọng chăm lo công tác kiều bào và bảo hộ công dân, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan đại diện. Đất nước hội nhập càng sâu rộng thì công dân, kiều bào và doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài càng cần đến sự hỗ trợ và phối hợp của các Cơ quan đại diện. Cơ quan đại diện cần thực sự là “Ngôi nhà chung”, là chỗ dựa về tinh thần, nơi cũng cấp thông tin, pháp lý cho bà con và doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời vận động chính giới nước sở tại tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kiều bào hội nhập thành công vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của nước sở tại.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, với vai trò là những đại biểu dân cử, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội sẽ tích cực giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài; hoạt động của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như hoạt động bảo hộ công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2017- 2020

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Bộ Ngoại giao, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phối hợp với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội để củng cố, mở rộng và tăng cường hơn nữa quan hệ với các Quốc hội, nghị viện các nước, nhất là các đối tác quan trọng hàng đầu của ta. Với thế mạnh ở địa bàn, Chủ tịch Quốc hội mong muốn mong các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ góp phần mở rộng mạng lưới các nhóm nghị sỹ hữu nghị với Việt Nam, các tổ chức bạn bè với Việt Nam để đưa các mối quan hệ hợp tác nghị viện ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững; tiếp tục tham mưu cho Quốc hội trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đối ngoại của Nhà nước để tạo thuận lợi cho việc triển khai đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước và góp phần vào việc xây dựng hiệu quả hệ thống pháp luật liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán, ký kết, triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong năm 2017, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, việc ban hành Luật nhằm đáp ứng nhiệm vụ đối ngoại  trong lĩnh vực này, do đó đề nghị các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện Dự án Luật. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Ngoại giao, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII, trong đó có các vấn đề liên quan đến công tác đối ngoại; tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nhất là trong bối cảnh vào đầu năm tới, Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương (APPF).

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời chúc các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lên đường mạnh khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không phụ lòng mong đợi của Đảng, Nhà nước, cử tri và nhân dân cả nước.

Tại buổi tiếp, bày tỏ vui mừng, xúc động, vinh dự được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dành thời gian tiếp đón, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2017- 2020 khẳng định sẽ phấn đấu hết sức mình để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó; phấn đấu là cầu nối cho tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa nước ta, Quốc hội nước ta với các nước, Quốc hội các nước trên thế giới.

Quang Minh

Các bài viết khác