Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri tại xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ Ảnh: Trọng Đức
Tại các cuộc tiếp xúc, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tóm tắt một số nội dung chính của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV; đồng thời nêu rõ, qua các cuộc tiếp xúc, trên cơ sở lắng nghe các ý kiến, cùng với việc tiếp thu, giải trình, các đại biểu Quốc hội có thêm thông tin về đời sống, sản xuất, cũng như tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân để làm cơ sở đóng góp vào các vấn đề chung, chính sách vĩ mô của đất nước. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, qua các ý kiến của cử tri, bà con đã nêu lên những nhóm vấn đề quan tâm gồm: Giao thông cầu đường nông thôn; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; giá cả nông sản; khai thác cát; bảo hiểm y tế; bình đẳng giới; công tác dân vận; vấn đề nợ công; nợ xấu ngân hàng…
Cử tri Trần Trọng Nghĩa, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều bày tỏ sự hài lòng về chất lượng các kỳ họp của Quốc hội ngày càng được nâng lên. Cử tri đánh giá, thời gian qua mặc dù đất nước còn khó khăn nhưng Nhà nước đã quan tâm đến những gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng; đồng thời nêu vấn đề, hiện nay trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ là trên 1,3 triệu đồng/tháng, vậy nên Nhà nước xem xét, cân nhắc việc phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đối với mẹ của 1 liệt sỹ, để từ đó có hỗ trợ tốt hơn, nhất là đối với những mẹ liệt sỹ sống ở vùng nông thôn còn khó khăn, điều này sẽ có ý nghĩa xã hội to lớn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp thu ý kiến của cử tri về đề xuất này.
Cử tri Phan Đình Sơn, xã Thạnh An, Chánh xứ giáo xứ Châu Long nêu câu hỏi, hiện nay lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đang được giá, nhân dân rất phấn khởi, vậy giá lúa còn giữ được cao khi nông dân vào vụ thu hoạch rộ? Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngoài quy luật kinh tế thị trường, lúa được giá còn liên quan đến chất lượng. Nếu lúa gạo có chất lượng tốt có thể cạnh tranh được thì khả năng giá cả sẽ ổn định. Nhà nước có những chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn để người trồng lúa có thể “sống được” và có thu nhập. Tuy nhiên, bài học về “giải cứu” nông sản thực phẩm vừa qua cho thấy, người nông dân không nên sản xuất theo phong trào.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Cử tri Võ Văn Nhân, xã Thạnh Tiến nêu vấn đề hiện nay giá cát xây dựng tăng cao “giá cát mắc hơn giá đá xây dựng”. Cát tăng giá kéo theo nhiều công trình xây dựng dừng triển khai. Chủ tịch Quốc hội nhất trí với giải đáp của lãnh đạo thành phố Cần Thơ về những biện pháp chấn chỉnh để hoạt động khai thác cát đi vào nền nếp trên tinh thần khai thác phải đảm bảo đúng quy định, nhất là đảm bảo không làm sạt lở. Với việc hiện nay có tình trạng một số cơ sở kinh doanh đã lợi dụng sự khan hiếm để nâng giá cát lên. Từ thực tế này, Quốc hội sẽ nêu vấn đề, đề nghị Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ trong quản lý công tác này.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã giải đáp ý kiến cử tri về vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, cụ thể là Nhà máy giấy Lee & Man được xây dựng tại Hậu Giang. Theo Chủ tịch Quốc hội, đối với nhà máy giấy này, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra công tác bảo vệ môi trường 2 dự án, gồm phần nước thải ra từ nhà máy và trong sản xuất; đã yêu cầu đánh giá tác động môi trường. Kết quả thanh tra đã được thông báo. Quốc hội và các cơ quan hữu quan có chương trình giám sát chặt chẽ việc tuân thủ, đảm bảo các yêu cầu quy định. Do đó, nhà máy phải đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn đảm bảo môi trường mới được phép sản xuất. Cùng với đó, hệ thống quan trắc khí thải tự động truyền số liệu từ nhà máy qua Sở Tài nguyên - Môi trường Hậu Giang cũng đã được lắp đặt. Những việc này được giám sát nhằm đảm bảo môi trường cho nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là việc thu gom vỏ hộp thuốc bảo vệ thực vật vùng nông thôn, chất thải chăn nuôi ở những hộ dân, chia sẻ với ý kiến của cử tri Nguyễn Văn Đặng, xã Thạnh Lộc và cử tri Vũ Đức Hước, Chánh xứ giáo xứ Kim Hòa, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các ý kiến của cử tri là rất đáng quan tâm. Cùng với trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan hữu quan trong việc hướng dẫn người dân thu gom vỏ tránh ô nhiễm, xây dựng hầm khí biogas trong các hộ chăn nuôi, mỗi người dân cũng cần nêu cao trách nhiệm trong gìn giữ, bảo vệ môi trường sống để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm và tặng quà một số gia đình chính sách tại thành phố Cần Thơ
Chia sẻ với ý kiến cử tri về vấn đề giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã ra Nghị quyết về vấn đề này, có nguyên tắc không dùng ngân sách để chi trả nợ xấu cho ngân hàng. Nghị quyết có một số cơ chế đặc thù để giải quyết nợ xấu. Do đó, bắt đầu từ ngày 15/8/2017 trở về trước, nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết này và sau thời điểm này, những khoản nợ xấu phát sinh sẽ được xử lý theo Luật các tổ chức tín dụng. Việc khoanh phạm vi nợ xấu để xử lý là trước ngày 15/8/2017 là để bảo đảm nguồn lực tập trung xử lý các khoản tín dụng xấu đang gây cản trở hoạt động của hệ thống ngân hàng, tránh việc các tổ chức tín dụng có thể lạm dụng các quy định của Nghị quyết, đồng thời tăng vai trò của ngân hàng trong thẩm định các dự án cho vay. Nghị quyết này không miễn trừ trách nhiệm đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu hoặc vi phạm trong quá trình xử lý nợ xấu. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện giám sát...
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới thăm và tặng quà một số gia đình chính sách tại thành phố Cần Thơ; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã trao 3 tỷ đồng vận động từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tặng UBND huyện Vĩnh Thạnh để xây Nhà Đại đoàn kết.