Phiên họp thứ 2 của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về
cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011- 2016
Tham dự Phiên họp có các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các thành viên của Đoàn giám sát, các chuyên gia và đại diện một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Uông Chu Lưu nêu rõ, từ sau Phiên họp toàn thể lần thứ nhất và tháng 11/2016 đến nay, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 đã triển khai rất nhiều hoạt động theo đúng kế hoạch, bảo đảm tiến độ và chất lượng đề ra, cụ thể như đã tổ chức Hội thảo chuyên đề với nội dung “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước- Khung chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện” vào tháng 2 năm 2017; làm việc trực tiếp với 15 bộ, ngành ở trung ương và trực tiếp giám sát tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Ở các tỉnh, thành phố mà Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội không trực tiếp đến làm việc, các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương cũng đã tiến hành giám sát và gửi báo cáo kết quả giám sát về Đoàn giám sát của Quốc hội. Qua tiếp nhận, bước đầu nghiên cứu và tổng hợp các báo cáo, tài liệu, Đoàn giám sát nhận thấy Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và các Đoàn đại biểu Quốc hội đã rất nghiêm túc, công phu trong việc chuẩn bị báo cáo để gửi Đoàn giám sát. Phần lớn các báo cáo đều bám sát đề cương, đầy đủ số liệu, đáp ứng được yêu cầu mà Đoàn giám sát đã đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tiếp tục thực hiện kế hoạch làm việc, mục đích của Phiên họp lần này để nghe Chính phủ báo cáo và giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016; đồng thời để các thành viên Đoàn giám sát, các chuyên gia của Đoàn giám sát, các đại biểu nêu ý kiến nhận xét về nội dung Báo cáo và đặt câu hỏi cho đại diện Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thuộc Chính phủ về các vấn đề có liên quan đến nội dung Báo cáo.
Thông qua quá trình giám sát trực tiếp và tổng hợp, xem xét báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, qua tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, Đoàn giám sát nhận thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước thời gian qua vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, trong đó nổi lên một số vấn đề như: tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước còn cồng kềnh, một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan còn có sự trùng lặp, chồng chéo, thiếu hợp lý; kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn rất hạn chế v.v...
Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Uông Chu Lưu phát biểu tại Phiên họp Ảnh: Đình Nam
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các thành viên Đoàn giám sát, các đại biểu tham dự phiên họp nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, tích cực phát biểu ý kiến; các đồng chí đại diện Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cung cấp thêm thông tin, giải trình đầy đủ, thấu đáo những vấn đề đặt ra để phân tích, đánh giá, làm rõ những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách bộ máy hành chính nhà nước thời gian qua, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; qua đó góp phần giúp Đoàn giám sát của Quốc hội hình thành báo cáo kết quả giám sát để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 năm 2017.
Trao đổi, thảo luận và phát biểu tại Phiên họp, thành viên Đoàn giám sát, các chuyên gia của Đoàn giám sát và các đại biểu đã nêu ý kiến nhận xét về nội dung Báo cáo và đặt câu hỏi cho đại diện Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan thuộc Chính phủ. Các nội dung tập trung vào một số vấn đề chính như: Thứ nhất, đánh giá chung về quá trình thực hiện cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, trong đó có sự so sánh với kết quả thực hiện cải cách bộ máy hành chính nhà nước ở những giai đoạn trước đó.
Thứ hai, đánh giá về kết quả rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của bộ máy hành chính nhà nước (cả ở trung ương và địa phương), trong đó tập trung vào một số nội dung như: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có sự trùng lặp, chồng chéo, thiếu hợp lý không, có nhiệm vụ quản lý nhà nước nào còn bị bỏ trống không? cơ cấu tổ chức của các cơ quan đã phù hợp, bảo đảm để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chưa? Vấn đề phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn được thực hiện thế nào, có đạt hiệu quả không? Tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước đã hợp lý chưa? Trong giai đoạn 2011- 2016, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, của chính quyền địa phương có sự thay đổi theo chiều hướng gọn nhẹ hơn hay phình to? Trong cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành có sự nâng cấp các đơn vị cấp Vụ và tương đương thành Cục, từ Cục thành Tổng cục không, việc nâng cấp này có thực sự hợp lý không?.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại Phiên họp
Thứ ba là các vấn đề liên quan đến biên chế công chức, số lượng viên chức và người làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước, trong đó tập trung vào việc quản lý, sử dụng biên chế (việc giao biên chế đã hợp lý chưa, có tình trạng sử dụng biên chế vượt so với số được giao không, tình trạng sử dụng lao động hợp đồng để thực hiện công việc chuyên môn có phổ biến không); tỷ lệ số lượng người giữ chức vụ lãnh đạo (từ cấp phó trưởng phòng trở lên) so với số lượng công chức, viên chức, người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp có hợp lý không? kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2011- 2016? Số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và chế độ đãi ngộ với đội ngũ này đã hợp lý chưa; định hướng sắp xếp, kiện toàn đội ngũ này trong thời gian tới?.
Thứ tư là những yếu tố liên quan, tác động đến cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước như: vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, điều hành cải cách tổ chức bộ máy hành chính; việc đổi mới phương thức làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc thực hiện quy định của pháp luật về tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ; cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm cho hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước...
Thứ năm là việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chủ trương, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 đã phản ánh đúng thực tế và thực sự nghiêm minh, hiệu quả chưa?...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu giải trình tại Phiên họp
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và đại diện một số bộ, ngành cũng đã giải trình, trao đổi cụ thể những vấn đề mà các đại biểu đã nêu tại Phiên họp.
Phát biểu kết luận Phiên họp, cơ bản đánh giá cao những nội dung trong Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Uông Chu Lưu cho rằng, các số liệu, kiến nghị, giải pháp của Chính phủ cần được phải được "gia cố", hoàn thiện thêm, trong đó, 3 kiến nghị mà Chính phủ đã nêu chưa thật sự tương xứng với Báo cáo và với yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đưa ra các giải pháp cụ thể với hai cấp độ ở tầm trước mắt và tầm lâu dài cho các khóa tới; có những đề xuất để Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đề ra những giải pháp mạnh mẽ, có tính chất đột phá trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân hoàn thiện lại Báo cáo của Chính phủ và gửi lại cho Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội; đề nghị Đoàn giám sát tích cực, chủ động để tổ chức các hội nghị, tọa đàm sâu hơn về các nội dung giám sát, chuẩn bị các Báo cáo để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp vào tháng 8 và tiếp tục hoàn thiện các Báo cáo để trình ra Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vào tháng 10 tới đây.
Với tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các thành viên, các chuyên gia trong Đoàn giám sát, các cơ quan hữu quan tích cực phối hợp, hoàn thiện các nội dung trong Báo cáo để cuộc giám sát lần này thực sự xứng tầm với hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.